Khởi nghiệp từ năm 29 tuổi, trải qua nhiều thử thách và cũng học được nhiều bài học đáng giá, Kosuke Sogo – CEO AnyMind Group đã tổng hợp được 4 bài học giúp anh đi từ 0 đồng tới doanh thu 100 triệu USD.
Luôn trò chuyện với nhân viên
Khi doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển, các nhà sáng lập thường bị cuốn vào những công việc thường ngày như ra quyết định, làm việc với nhà đầu tư hoặc cổ đông, hay tìm kiếm những ý tưởng mới để mở rộng kinh doanh.
Tuy nhiên, đừng vì bận rộn mà quên việc trò chuyện và giao lưu trực tiếp với nhân viên. Tôi muốn nhấn mạnh vào việc trực tiếp trao đổi với nhân viên ngay trong những ngày đầu thành lập công ty thay vì thông qua trung gian. Bạn có thể tâm sự với nhân viên trong giờ nghỉ trưa hay chỉ đơn giản là luôn cởi mở và sẵn sàng trò chuyện với bất kỳ ai trong công ty.
Điều ấy mang đến rất nhiều lợi ích, như giúp tăng động lực làm việc, gắn kết nhân viên với công ty, hay thậm chí có thể là cơ hội để tìm ra những ý tưởng mới cho công việc. Người sáng lập chính là người tạo ra văn hóa DN và việc trao đổi trực tiếp với nhân viên sẽ đảm bảo họ hiểu được định hướng của công ty.
Không ngừng thay đổi
Để thành công, DN cần đầu tư và phát triển nhiều giải pháp mới để cung cấp nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Hãy nhìn những công ty khởi nghiệp thành công tại châu Á như Grab, Alibaba, Tencent, họ đã xây dựng rất nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng mục tiêu và luôn không ngừng tạo ra những giá trị mới cho nhóm khách hàng này.
Lấy ví dụ như công ty chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo nhưng chỉ trong hai năm đã xây dựng được nền tảng công nghệ cho Influencer marketing và publisher. Tiếp tục ra mắt giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng qua điện toán đám mây, hỗ trợ thương mại điện tử, hậu cần và chúng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới, phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Điều đó có nghĩa là khách hàng có thể tiếp cận kho giải pháp về marketing, thương mại điện tử, hậu cần của chúng tôi.
Chúng tôi làm những việc ấy bằng cách mở rộng và phát triển công nghệ hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Khách hàng, marketer, online publisher, người ảnh hưởng và chủ DN có thể tận dụng công nghệ của chúng tôi để phát triển hơn nữa. DN có thể khai thác nguồn lực bán hàng hiện tại để bán những sản phẩm mới cho khách hàng.
Địa phương hóa
Tại một thị trường đa dạng như châu Á, việc cung cấp một giải pháp chung cho khách hàng tại nhiều thị trường là không hiệu quả. Đối với các công ty khởi nghiệp về công nghệ, “địa phương hóa” không chỉ nằm ở cung cấp sản phẩm, dịch vụ bằng tiếng bản địa mà còn phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu, xu hướng của từng thị trường.
Box:
AnyMind Group thành lập tháng 4/2016 bởi Kosuke Sogo và Otohiko Kozutsumi. Bắt đầu từ mảng công nghệ marketing, AnyMind Group đã mở rộng sang lĩnh vực điện toán đám mây, ươm tạo, xây dựng thương hiệu D2C, công nghệ giải trí và công nghệ nhân sự. AnyMind Group là một nền tảng hỗ trợ kinh doanh giúp DN không còn rào cản, không còn biên giới thông qua công nghệ. Trụ sở đầu tiên của AnyMind Group đặt tại Singapore rồi mở chi nhánh ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan… ./.
Tôi nhận thấy rằng, việc mở rộng ra thị trường nước ngoài sẽ khó thành công nếu không sử dụng chiến lược “địa phương hóa”. DN cần phải xây dựng sản phẩm công nghệ có thể vươn ra thế giới nhưng cũng phải “địa phương hóa” cách tiếp cận và vận hành công nghệ đó. Ví dụ, các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực đều xây dựng nền tảng riêng cho từng thị trường hay thậm chí cả cách vận hành và marketing cũng được thay đổi để phù hợp với thị trường mục tiêu. Về phía AnyMind Group, đây là phương châm hoạt động đã theo đuổi trong suốt 5 năm qua và nó cũng giúp chúng tôi đạt được những thành tựu nhất định như ngày hôm nay.
Chiến lược “toàn cầu hóa” sẽ giúp đưa công nghệ ra thế giới, nhưng để thành công, nhất định phải có tư duy “địa phương hóa”.
Vượt qua trở ngại
Đối mặt với khó khăn, thử thách là điều không thể tránh khỏi khi xây dựng DN. Với cá nhân tôi, hành trình khởi nghiệp thậm chí còn nhiều “đau thương” hơn khi quy mô công ty, sản phẩm và nhân sự đều tăng lên rất nhanh. Điều đó dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát các vấn đề về chính sách, vận hành, nhân sự, văn hóa công ty.
Bài học ở đây không phải là cố gắng lường trước những thách thức hay cố gắng xây dựng một hệ thống thật hoàn hảo, mà là ở cách giải quyết các vấn đề. Chúng tôi may mắn khi đã có sự giúp sức và tư vấn từ các nhà đầu tư trong những năm qua cũng như đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia và nhân viên cùng đồng hành từ những ngày đầu tiên. Từ những kinh nghiệm cộng hưởng đó, chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn và phát triển được như ngày hôm nay.
Dù trải qua nhiều thăng trầm, hiện tại AnyMind Group đã có 17 văn phòng trên 13 thị trường, hơn 800 nhân viên và 7 thương vụ mua, bán sáp nhập tại Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ, nâng tổng số vốn đầu tư lên 62,3 triệu USD. Trong năm 2020, doanh thu của AnyMind Group hơn 100 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Doanh nhân Sài Gòn