Trung Quốc thử nghiệm thành công máy bay vũ trụ

Ban Biên Tập

Đây là một bước tiến tới sự phát triển của một phương tiện siêu thanh có thể đến bất kỳ góc nào của trái đất trong vòng 1 giờ.

Mẫu máy bay vũ trụ bay thử hôm 16.7. Ảnh: SCMP.

Theo SCMP, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một tàu vũ trụ được ca ngợi “một biểu tượng quan trọng về sự trỗi dậy của Trung Quốc từ một cường quốc vũ trụ thành một siêu cường không gian”.

Máy bay cận quỹ đạo tái sử dụng hạ cánh ổn định ở một sân bay tại thị trấn Minh A Lạp Thiện thuộc khu tự trị Nội Mông phía bắc Trung Quốc trong dự án kiểm tra và chứng nhận công nghệ, đánh dấu chuyến bay thử đầu tiên thành công trọn vẹn. Máy bay được phóng trước đó từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi phía tây bắc Trung Quốc.

Phương tiện này được phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) nhằm đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của công nghệ vận chuyển tàu vũ trụ có thể tái sử dụng giữa Trái Đất và không gian. Nói cách khác, đây là cột mốc lớn trong phát triển máy bay vũ trụ siêu thanh có thể dùng nhiều lần của Trung Quốc.

Năm ngoái, CASC thông báo kế hoạch chế tạo hệ thống vận chuyển không gian có thể tái sử dụng. Dự án bao gồm phát triển hàng loạt phương tiện cất hạ cánh thẳng đứng giống máy bay thông thường, nhưng có thể bay tới bất kỳ địa điểm nào trên trái đất trong vòng một giờ ở tốc độ nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh.

Một mô hình tên lửa Long March-5 Y5 từ chương trình thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc Chang’e-5 Mission được trưng bày tại một cuộc triển lãm bên trong Bảo tàng Quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3.3.2021. Ảnh: Reuters.

Mạng lưới máy bay loại này có chi phí vận hành rẻ hơn tên lửa thông thường do dễ bảo dưỡng và có thời gian chuẩn bị giữa các chuyến bay ngắn hơn.

Chương trình hướng tới hoàn thành phát triển máy bay vũ trụ vào năm 2045 nhưng giai đoạn đầu tiên của dự án bao gồm phát triển phương tiện cất hạ cánh thẳng đứng hoạt động nhờ tên lửa. “Nó có thể được sử dụng như tầng phục của hệ thống vận chuyển không gian tái sử dụng cất cánh nhờ động cơ tên lửa”, theo CASC.

Quân đội Mỹ đang tiến hành dự án tương tự với chương trình XS-1. Mục tiêu của họ là phát triển máy bay vũ trụ tái sử dụng có thể đưa vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo. Nhưng năm ngoái, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ thông báo chương trình đã kết thúc sau khi nhà thầu Boeing ngừng hợp tác.

Cũng trong năm 2020, Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công một máy bay vũ trụ khác phóng từ tên lửa và bay quanh quỹ đạo trong 2 ngày, sau đó quay về trái đất. Nhiệm vụ này được xem như một đột phá quan trọng. Chiếc máy bay được cho là có nhiều điểm giống máy bay tự động quanh quỹ đạo X-37B của Không quân Mỹ.

Công nghệ như vậy có thể được sử dụng như một vũ khí quan trọng trong không gian, bởi vì về cơ bản các tàu vũ trụ này là một loại máy bay siêu thanh không người lái, có thể được sử dụng để tấn công vệ tinh, trạm không gian hoặc mục tiêu mặt đất và được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments