Thông tin Phúc Long được Masan mua lại 20% với giá 15 triệu USD. Nghĩa là định giá thương hiệu cafe này vào khoảng 75 triệu USD, nhiều người trẻ cho rằng thời của F&B đã đến.
Ngay khi Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan (MSN) thông báo mua lại 20% vốn Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long với giá 15 triệu USD. Doanh nhân Trần Bằng Việt – CEO Đông A Solutions đã có chia sẻ về những yếu tố tạo nên thành công trong ngành F&B, thông qua việc so sánh cụ thể sự giống và khác nhau của quán ăn và cafe, làm cơ sở để định giá thương hiệu.
Có bạn trẻ quan tâm và trao đổi sâu về định giá một thương hiệu quán ăn có tiếng khác và cho rằng chắc là giá sẽ lên chát lắm vì “cùng là F&B, và cùng là chuỗi”.
Theo tôi, cả hai đều là chuỗi, và cùng trong ngành F&B. Nhưng khác là:
1. Tỷ lệ mua rồi mang đi của cafe cao hơn rất nhiều so với quán ăn.
2. Tỷ lệ thực phẩm hư hại và hết hạn sử dụng của quán ăn cao hơn cafe rất nhiều.
3. Chi phí nguyên vật liệu và bảo quản nguyên vật liệu của cafe rẻ hơn quán ăn nhiều.
4. Chi phí nhân sự của cafe thấp hơn quán ăn nhiều. Và độ dễ của việc tiêu chuẩn hoá các hạng mục công việc trong các khâu tiền sản xuất, sản xuất và phục vụ (đóng gói quy trình) của cafe đơn giản hơn nhiều.
5. Một người mỗi ngày có thể mua cafe 1-2 lần, có thể mua trong cả ngày. Trong khi quán ăn thường chỉ bán được vài giờ trong ngày. Do đó hiệu quả sử dụng mặt bằng của cafe cao hơn.
6. Sản phẩm của cafe có thể vào quầy, vào cửa hàng tiện lợi. Trong khi quán ăn thì không.
7. Chi phí hậu phục vụ của quán ăn cao hơn so với cafe rất nhiều: lau, rửa, đổ rác, khử mùi…
8. Mức độ rủi ro của quán ăn cao hơn so với cafe nhiều: vệ sinh, ngộ độc thực phẩm, ruồi nhặng…
9. Số lượng giấy phép con, điều kiện kinh doanh, và cơ quan quản lý liên quan của quán ăn nhiều hơn cafe.
Và chỉ cần 1 trong các yếu tố trên là đủ để một doanh nghiệp là rất thành công, còn doanh nghiệp kia vẫn phải loay hoay.
Thế nên “đừng đầu tư khi hình như”!
Theo Doanh nhân Sài Gòn