Start-up cần tỉnh táo nhận diện nguồn vốn đang bị sử dụng lãng phí

oldadmin

Việc vội vàng gọi vốn, mở rộng quy mô khi năng lực thực thi chưa tương xứng có thể khiến nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả và start-up dễ rơi vào trạng thái hụt hơi.

Tránh phí tiền vào hình thức bóng bẩy

Bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures Việt Nam đưa ra khảo sát hơn 3.200 start-up toàn cầu trong báo cáo của Startup Genome cho thấy, hơn 70% start-up đó thất bại do mở rộng quy mô sớm (Premature Scaling) và một phần trong số đó là tuyển dụng nhiều hơn nhu cầu thực sự.

Dựa trên quan sát và trao đổi, trò chuyện với nhiều start-up, các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ start-up nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, bà Kim Dung chia ra hai kiểu start-up: một là start-up tập trung vào gọi vốn, coi việc gọi được vốn là thành công và hai là start-up tập trung vào sản phẩm và coi việc thuyết phục, có được khách hàng sử dụng là thành công. Ở hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện tồn tại cả hai kiểu start-up này.

Bà Dung phân tích, start-up kiểu thứ nhất tuy có thể gọi được nhiều vốn, nhưng chưa có sự tập trung triệt để vào hoàn thiện sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dùng. Vì thế, vốn gọi được có thể bị sử dụng một cách không hiệu quả, như phụ thuộc quá nhiều vào chạy quảng cáo hay trả tiền để có người sử dụng. Thậm chí, tệ hơn là vốn có thể được sử dụng vào việc không liên quan trực tiếp tới người dùng hay sản phẩm, mà chỉ tạo hình thức bóng bẩy như văn phòng xa xỉ hay các buổi tiệc sang trọng…

“Đó như là một cái rổ thủng, tiền bị đổ vào rồi ra mà không lưu lại được những giá trị bền vững nhất. Cũng như cách khách hàng đến rồi đi, sẽ không quay lại tiếp tục sử dụng sản phẩm, để tạo ra doanh thu tăng trưởng bền vững cho start-up”, bà Dung nhận xét.

Mạnh tay cắt “mỡ thừa”

Không phải lúc nào start-up cũng thấy rõ khi nào mình đang trở thành nạn nhân mở rộng quy mô không tương thích với năng lực. Việc không giữ chân được khách hàng ở lại sử dụng, trả tiền hay tiếp tục sử dụng cho sản phẩm, dịch vụ của dự án là một trong những dấu hiệu để rút khỏi vấn đề này.

Việc mở rộng quy mô thường bị hiểu là tập trung vào sự tăng trưởng, trong khi các chỉ số về hiệu quả của chi phí bỏ ra để đổi lấy tăng trưởng lại không được chú trọng. Ví dụ, start-up chọn cách chi tiền cho quảng cáo để nhiều khách hàng biết và sử dụng sản phẩm, dịch vụ, trong khi sản phẩm, dịch vụ đó chưa phải lafà nhu cầu mà khách hàng muốn được giải quyết hoặc đúng nhu cầu của họ nhưng chất lượng không như quảng cáo.

“Chạy quảng cáo mang tính chất ‘gây nghiện’ rất cao. Một khi đã bị phụ thuộc quá nhiều vào đó, start-up sẽ luôn phải dùng kênh này để tiếp tục có được người dùng và có được doanh thu từ những ‘người dùng một lần’ đó”, bà Dung đánh giá.

Đồng thời, việc mở rộng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới cũng có thể khiến start-up xao nhãng quá trình nhận ra đúng nhu cầu của khách hàng để đưa ra giải pháp phù hợp…

Tuy nhiên, bà Dung đánh giá cao nỗ lực sinh tồn của start-up trong năm Covid thứ nhất vừa qua. Để sinh tồn, kéo dài thêm đường chạy, rất nhiều start-up đã cắt giảm chi phí hoạt động một cách tối đa và tối ưu hoá vận hành bằng nguồn lực hạn chế. “Nếu ví start-up như cơ thể người thì họ đã cắt giảm gần hết mỡ thừa, những chi phí không cần thiết, đổi lại là một cơ thể có nhiều cơ hơn, dẻo dai hơn và có sức hứng chịu khó khăn mạnh mẽ hơn trong năm Covid-19 thứ hai này”, bà Dung chia sẻ.

Còn với Paul Graham, người đồng sáng lập Y Combinator, chi càng ít tiền càng tốt là một trong 3 điều cần ghi nhớ để góp phần tạo ra một công ty khởi nghiệp thành công, bên cạnh việc bắt đầu với những người giỏi và tạo ra thứ mà khách hàng thực sự muốn.

Theo Báo Đầu tư Online

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments