Shark Tank Việt Nam Cô gái Huế xinh đẹp vừa chốt deal kỳ lạ với Shark Hưng: Là Tiến sĩ Cello đầu tiên của VN, 10 tuổi đi nhờ xe chở gà ra Hà Nội học đàn, sổ nợ chi chít 3 cuốn
“Mỗi năm tôi cố gắng thực hiện một chương trình hòa nhạc chất lượng, công phu kỹ càng và gần gũi. 20 năm nữa sẽ là CF26, như thế nó sẽ đi theo, gắn liền với cuộc đời mình”, cô chia sẻ về dự án của mình.
Đi nhờ xe chở gà, chở lợn từ Huế ra Hà Nội học Cello
Trên sóng tập 9 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, màn gọi vốn của nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân thu hút nhiều bình luận trái chiều khi khán giả cho rằng thương vụ này giống như gọi tài trợ hơn là gọi vốn đầu tư cho startup. Chưa kể, Shark Hưng cũng “chốt kèo” theo một cách rất lạ: 2 tỷ đồng đổi lại 70% lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì chuyển vào để thành lập công ty, nếu lỗ thì founder phải tự bù để trả 2 tỷ gốc.
Tuy nhiên, không ít người cũng dành lời khen cho tài năng và nhiệt huyết của nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân – một người có tiếng trong làng nhạc cổ điển tại Việt Nam.
Đinh Hoài Xuân bén duyên với nhạc cụ này khá muộn. Cô là con út trong một gia đình có đông anh em, có cha là bộ đội còn mẹ là giáo viên trường làng ở một vùng quê Lệ Thủy (Quảng Bình). Dù gia đình dẫu không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng người truyền cảm hứng lớn cho cô lại chính là cha mình.
“Ông đã có những năm tháng học tập ở nước Nga tươi đẹp, với hình ảnh những vũ công ba lê và những bản nhạc cổ điển quyến rũ. Từ nhỏ, tôi thường được nghe kể lại điều này và đến năm 8 tuổi, tôi thi đỗ vào trường múa”, Đinh Hoài Xuân chia sẻ trong một bài phỏng vấn.
Hai năm sau, cô được Trường Đại học Nghệ thuật Huế tuyển vào học sơ trung cấp chính quy âm nhạc. Dù không ít lời ra tiếng vào cho rằng theo đuổi Cello rồi sẽ không tới đâu, Đinh Hoài Xuân vẫn kiên định và miệt mài, cứ mỗi thứ 6 lại đón xe đò từ Huế ra Hà Nội, thậm chí có lúc đi nhờ xe chở gà, chở lợn, để được học thêm với Giáo sư Vũ Hướng, rồi Chủ nhật lại lộn ngược vào Huế để đến trường. Suốt một năm trời như vậy, cô thi đậu vào hệ Đại học của Nhạc viện Hà Nội.
Cô tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam 2012 và dành được học bổng kép bậc Tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam và Rumani cho chuyên ngành biểu diễn Cello tại ĐH âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani. Sau 3 năm, Đinh Hoài Xuân trở thành tiến sĩ Cello đầu tiên của Việt Nam. Cô cũng thường xuyên biểu diễn tại các buổi hòa nhạc cổ điện ở trong và ngoài nước.
Sổ nợ chi chít 3 cuốn vẫn theo đuổi dự án “Cello Fundamento”
Trước khi sáng lập dự án “Cello Fundamento” (CF), Hoài Xuân được biết đến với các dự án nhạc nhẹ hóa cello, dẫn lối để nhạc cụ cổ điển này đến gần hơn với công chúng. Hằng năm, cô tổ chức những buổi biểu diễn kết hợp âm nhạc cổ điển với làn điệu dân ca Việt Nam, đồng thời, thực hiện dự án phổ cập tới các trường từ mầm non đến đại học.
Tháng 9/2020, tham dự diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Huế, Đinh Hoài Xuân đã trình bày ý tưởng đưa làn điệu dân ca Huế ra với bạn bè quốc tế bằng việc kết hợp nhạc cụ phương Tây cổ điển Cello Huế tại các buổi hòa nhạc trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ở các concert “Cello Fundamento”, cô đều mời các nghệ sĩ nước ngoài về trình diễn cùng các nghệ sĩ Việt. Để làm các chương trình này, cô từng phải đi vay lãi ngân hàng. “Sổ nợ của tôi ghi chi chít dày đặc ba cuốn… Tất cả được tôi lưu giữ một cách cẩn thận nhất, vừa làm kỷ niệm, vừa là bài học không được phép quên và vừa là minh chứng cho tuổi trẻ liều lĩnh dám nghĩ, dám làm, đi lên bằng nỗ lực không ngừng của chính mình…”, nữ cellist nói với VOV.
Gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 4, Đinh Hoài Xuân cũng thú nhận rằng các mùa “Cello Fundamento” đều lỗ lớn. Ví dụ, CF2 đầu tư 1,6 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 700 triệu đồng, CF3 đầu tư 1,8 tỷ đồng chỉ thu được mấy trăm triệu đồng, đến CF5 mới hòa vốn. Cô là người chịu trách nhiệm hầu hết các khâu tổ chức, từ mời gọi tài trợ, setup, kinh doanh,…
Dù còn gặp nhiều khó khăn và chưa có lãi nhưng Đinh Hoài Xuân vẫn kiên trì theo đuổi dự án của mình.
“Mỗi năm tôi cố gắng thực hiện một chương trình hòa nhạc chất lượng, công phu kỹ càng và gần gũi. 20 năm nữa sẽ là CF26, như thế nó sẽ đi theo, gắn liền với cuộc đời mình. Tôi tin rằng, chỉ vài năm nữa sự lan tỏa của nó sẽ càng lớn, góp phần truyền cảm hứng yêu nhạc cổ điển đến mọi người, giúp nâng cao đời sống âm nhạc tinh thần văn hóa trong cộng đồng, tăng cảm nhận và hiểu biết về âm nhạc cổ điển. Truyền cảm hứng, động viên các tài năng âm nhạc trẻ, kết nối cộng đồng…”, nữ nghệ sĩ bày tỏ.
Theo Cafebiz