Liệu một người quản lý các phương tiện truyền thông xã hội (social media) có thể đồng thời phát triển cộng đồng (community) của công ty trên các nền tảng đó hay không? Công việc của một nhân viên quản lý Social Media và Community có những điểm giống và khác nhau như thế nào?
Đây cũng chính là hai trong số nhiều câu hỏi mà nhiều bạn khi mới “dấn thân” vào mảng Digital Marketing / Social Media Marketing thường băn khoăn trong việc xác định công việc nào phù hợp hơn với mình. Cùng giải đáp trong bài viết dưới đây!
Social Media Marketing là gì?
Trước hết, chúng ta cần phải tìm hiểu về định nghĩa của Social Media Marketing (SMM) liên quan trực tiếp đến hai mảng công việc quản lý Social Media và quản lý Community.
SMM “là việc sử dụng các trang web truyền thông xã hội, mạng xã hội để tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ của công ty”. Ở một định nghĩa cụ thể hơn, SMM còn là “quá trình tạo nội dung phù hợp cho từng nền tảng truyền thông để thúc đẩy sự tương tác và quảng bá công ty”.
Vì sao SMM lại quan trọng? Theo khảo sát mới nhất của Datareportal cho thấy có 4,33 tỷ người dùng mạng xã hội trên khắp thế giới vào đầu năm 2021, tương đương hơn 55% tổng dân số toàn cầu. Các nền tảng, mạng xã hội phổ biến nhất tính đến thời điểm hiện tại là Facebook, YouTube, WhatsApp, Facebook Messenger, Instagram, WeChat, TikTok,… Báo cáo cũng chỉ ra rằng: một người dùng thông thường mỗi tháng truy cập hơn 6 nền tảng mạng xã hội khác nhau và dành trung bình gần 2h30p mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.
Từ những số liệu trên, ta có thể nhận thấy việc phát triển hình ảnh thương hiệu và xây dựng cộng đồng thương hiệu trên các nền tảng trực tuyển có một tiềm năng rất lớn. Từ đây, Social Media Marketing chia làm hai nhánh công việc: Quản lý Social Media và quản lý Community.
Về quản lý Social Media chắc hẳn các bạn cũng đã hình dung được vì nó khá phổ biến, nhưng quản lý Community thì sao? Có thể hiểu đơn giản rằng cộng đồng thương hiệu (Brand Community) là nhóm khách hàng trung thành hoặc nhóm người tiêu dùng cốt lõi được gắt kết bởi cùng những mối quan tâm, sở thích tương đồng. Họ quan tâm đến thương hiệu trên cả những sản phẩm/dịch vụ cung cấp và luôn muốn trở thành một phần của thương hiệu. Thực tế cho thấy, chính cộng đồng thương hiệu là nguồn sức mạnh tạo nên thành công và “giữ lửa” danh tiếng cho doanh nghiệp, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Những đóng góp của cộng đồng thương hiệu trên social media được thể hiện trong sơ đồ sau:
Trên thực tế, Social Community (bao gồm các trang hỗ trợ xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội như Facebook, Twitter,…) chính là một mảng quan trọng trong lĩnh vực Social Media. Nhiều công ty hiện nay đã bắt đầu phân chia rõ 2 mảng công việc quản lý Social Media và quản lý Community để đẩy mạnh sự hiện diện trực tuyến trên các nền tảng số.
Cùng Advertising Vietnam tìm hiểu những đặc điểm của hai vị trí quản lý này!
Những nét tương đồng giữa Social Media và Community?
Cả hai công việc quản lý Social Media và Community đều gắn liền với các nền tảng số, đòi hỏi bạn là người có niềm đam mê với các xu hướng truyền thông và dành phần lớn thời gian trên social media để nắm bắt insight người dùng.
Về mặt chuyên môn, người quản lý Social Media và Community đều phải có kiến thức về các chiến lược thu hút khán giả và tạo tiếng vang (buzz) tích cực cho công ty trên các nền tảng social media. Tuy nhiên, hai nhánh công việc này sẽ có những yêu cầu và phạm vi công việc khác nhau.
Quản lý Social Media là làm gì?
Khái niệm:
Khi quản lý Social Media, bạn sẽ đăng bài dưới danh nghĩa của thương hiệu trên mạng xã hội dựa trên một kế hoạch cụ thể. Là người đại diện cho tiếng nói của công ty, bạn có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tương tác với người dùng, sau đó phân tích hiệu suất chiến dịch Social Media.
Ngoài ra, một trong những kỹ năng cần có của một người quản lý Social Media đó là sự nhạy bén với các xu hướng trên các phương tiện truyền thông xã hội, từ đó có thể đóng góp những ý tưởng sáng tạo và đa dạng hoá trải nghiệm của người dùng.
Lộ trình thăng tiến của một nhân viên Social Media thông thường như sau (linh hoạt theo từng công ty):
- Social Media Intern
- Social Media Executive
- Social Media Specialist
- Social Media Manager
Kỹ năng chuyên môn:
Để hiểu rõ hơn, mời các bạn xem qua bản mô tả công việc (JD) và yêu cầu công việc (JR) của một vị trí Social Media Executive của Genesys sau đây:
Theo JD và JR trên đây, Social Media Executive sẽ đòi hỏi những nhánh kỹ năng như:
- Kinh nghiệm chuyên môn về social media
- Digital-savvy (am hiểu và hoạt động mạnh trên các nền tảng số)
- Lên kế hoạch và quản lý
- Sáng tạo ý tưởng, bắt trend
- Teamwork
- Phân tích/báo cáo
Quản lý Community là làm gì?
Khái niệm:
Như đã trình bày ở trên, social media chính là công cụ xây dựng cộng đồng thương hiệu quả nhất. Do đó, một người quản lý Community thường đóng vai trò là cầu nối giữa thương hiệu và cộng đồng của thương hiệu trên nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, người quản lý Community sẽ không đăng bài dưới danh nghĩa của thương hiệu như người quản lý Social Media mà với tư cách là “đại sứ thương hiệu” bằng chính tài khoản của họ, từ đó phát triển cộng đồng người dùng bằng cách tham gia vào các cuộc thảo luận, tìm kiếm khách hàng mới và lắng nghe những khách hàng hiện tại.
Một người quản lý Community luôn cần biết cách khám phá những cách mới để thu hút cộng đồng và thường được coi là những người ủng hộ thương hiệu (advocate). Ưu điểm của công việc này là dễ tiếp cận hơn nhiều so với chỉ là một tài khoản chung của công ty, bởi lẽ tiếng nói cá nhân sẽ tương tác hiệu quả hơn vì hoạt động với tư cách là thành viên của cộng đồng.
Tương tự như mảng quản lý Social Media, các cấp bậc của một nhân viên phụ trách Community cũng lần lượt là: Intern → Executive → Specialist → Manager (linh hoạt theo từng công ty).
Kỹ năng chuyên môn:
Về kỹ năng chuyên môn, quản lý Community cần biết cách đánh giá cảm xúc của người dùng (sentiment), thành thạo sử dụng các công cụ Social Listening để theo dõi phản hồi và mức độ tương tác của người dùng (chia làm các nhóm thảo luận như Tích cực, Tiêu cực, Trung lập và Hỗn hợp).
Dưới đây là JD và JR cho vị trí Community Executive tại Công ty Cổ Phần Galaxy Play để bạn tham khảo:
Như bạn có thể thấy, công việc của một Community Executive cũng gắn liền với các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, Tik Tok,… nhưng tập trung quản lý các cộng đồng của công ty (bao gồm cả các KOL, Influencer) thông qua những ý tưởng tương tác với các thành viên cộng đồng sẵn có và tích cực thu hút người dùng mới vào cộng đồng. Quản lý Community cũng yêu cầu các kỹ năng lập kế hoạch, thực thi cho đến lập báo cáo.
? Như vậy:
Ngoài ra ở cấp bậc quản lý (Social Media Manager hoặc Community Manager) có sẵn kinh nghiệm về nền tảng trực tuyến và hiểu rõ insight cộng đồng thương hiệu, bạn có thể học thêm những kiến thức chuyên môn để thăng tiến đến vị trí Head of Digital Marketing hoặc Marketing Manager/Director (nếu ở client side), hoặc đào sâu về copywriting/design để hướng đến vị trí Creative Director (nếu ở agency side).
Tạm kết
Trên đây là cách phân biệt vai trò, phạm vi công việc và mục tiêu của một người quản lý Social Media và quản lý Community. Thông thường, việc chuyên môn hóa giữa hai vị trí này sẽ mang đến hiệu quả rõ thấy trong việc quản lý tại các công ty lớn. Tuy nhiên, tại các công ty nhỏ hơn, một nhân viên vẫn có thể đảm nhận cả hai công việc này. Và lời khuyên cho bạn nếu đam mê social media và muốn nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực này, hãy phát triển đồng thời hai kỹ năng để có thể linh hoạt áp dụng trong công việc của mình.
Theo Advertising Vietnam