Phùng Kim Vy: Nữ Việt kiều Canada tiên phong hồi hương đầu tư, biến Mũi Né từ bãi biển hoang sơ thành khu du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc tế

Ban Biên Tập

Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy là Việt kiều Canada. Bà là một trong những Việt kiều sớm trở về đầu tư tại Việt Nam cũng như phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Mũi Né, Bình Thuận.

Từ những chuyến bay về quê hương

Với những người con xa quê, Việt Nam là niềm mong ngóng trở về từ lâu. Vốn từng là nhà báo, có cơ hội quan sát, bà Kim Vy hiểu rõ nhu cầu được trở về quê nhà chữa lành lại những vết thương lịch sử của nhiều Việt kiều.

Năm 1986, bà Vy mở công ty lữ hành tại Canada. Đây là một trong những công ty đầu tiên đưa khách Việt kiều về Việt Nam, cũng là đại lý đầu tiên của Vietnam Airlines tại khu vực Bắc Mỹ. Năm 1989, công ty lữ hành này tổ chức chuyến trở về quê hương đầu tiên.

Việc tổ chức đưa khách về Việt Nam thời kỳ này không hề đơn giản, bởi chưa có tuyến bay thẳng, cũng như vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng người Việt tại Canada. Tuy nhiên bà Vy cho biết bản thân vẫn tin tưởng đây là điều đúng đắn.

Bà Vy còn nhớ kỷ niệm năm 1990 khi đưa đoàn khách Việt kiều theo tuyến Montreal- Moscow- Hà Nội- Sài Gòn. Khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, khoang máy bay bỗng vang lên tiếng gọi “Mẹ ơi!” khiến tất cả mọi người nghẹn ngào khóc như mưa. Bà Vy hiểu đây là nỗi niềm tình cảm dồn nén sâu lắng với gia đình, quê hương.

Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy

Từ những chuyến đi kết nối này, dần dần việc kinh doanh của bà Vy nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng Việt kiều Canada. Bà Vy càng vững tâm hơn với sự nghiệp kinh doanh lữ hành, sau này là quyết định về Việt Nam đầu tư du lịch.

“Tôi nghĩ trong cuộc đời một con người, với những gì mình đã làm trong nghề nghiệp của mình thì tôi có thể hoàn toàn tự hào về điều đó. Từ việc tổ chức du lịch về Việt Nam, rồi những năm sau này khi quyết định về Việt Nam đầu tư… tôi rất mừng vì đã có con đường đi đúng. Và tôi nghĩ, tôi tìm được con đường đi đúng vì đã luôn gắn liền với quê hương, với những thông tin trong nước. Tôi thấy may mắn là mặc dù không thở cùng một nhịp, nhưng tôi đã bắt kịp với những nhịp thở của quê hương”, nữ Việt kiều này từng chia sẻ.

Mong muốn quay trở về xây dựng quê hương là niềm mong mỏi riêng của bà Vy. Theo chia sẻ của nữ doanh nhân này, bà có nhiều người bạn ở tuổi sắp về hưu (55-60 tuổi) hầu hết muốn về Việt Nam làm việc, tham gia giảng dạy ở các trường… để đóng góp được một cái gì đó cho đất nước. Nguồn chất xám của Việt kiều là không đo đếm được và nếu có chính sách tốt thì đây sẽ là một nguồn lực rất lớn cho sự phát triển đất nước.

Lập resort 4 sao trên mảnh đất trống bỏ hoang

Năm 1990, bà Vy là một trong số những doanh nhân được Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thành lập nên Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2000, nữ doanh nhân này trở thành Phó chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều. Hiện bà Vy cũng là thành viên của Hội nữ doanh nhân Tp. Hồ Chí Minh. Cùng với sự mở cửa đất nước, bà Vy cùng nhiều Việt kiều có điều kiện đóng góp vào nhiều chính sách của Nhà nước đối với kiều bào.

Năm 2002, bà Vy cùng hai người bạn ở Mỹ, Pháp và một số người bạn Việt Nam đầu tư xây khu nghỉ dưỡng. Địa điểm được lựa chọn là Mũi Né, Bình Thuận. Từ mảnh đất trống bỏ hoang, bà Vy cùng đội ngũ của mình dựng nên Seahorse Resort & Spa 4 sao, nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Hiện Seahorse là một trong những resort thu hút nhiều khách tại Mũi Né. Theo chia sẻ của bà Vy, tỷ lệ phòng bận của khu nghỉ dưỡng này bình quân hàng năm từ 75-80%.

Sau sự thành công của Seahorse Resort & Spa, bà Vy tiếp tục đầu tư resort thứ 2 tại Mũi Né là The Cliff Resort & Residences. Khu nghỉ dưỡng này nằm tại trung tâm của Mũi né với hơn 125 phòng nghỉ và các căn hộ, biệt thự đều hướng biển với nét trang trí mang phong cách Địa Trung Hải.

The Cliff Resort & Residences.

Bà Vy tin rằng với đường biển dài tới hơn 3 ngàn km, tiềm năng của vùng biển Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó nhu cầu Việt kiều khi về quê hương thì ai cũng muốn đi thăm chỗ này chỗ kia, không đi dài thì đi ngắn. Đầu tư vào những điểm du lịch theo bà Vy vừa mang lại lợi nhuận và giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Thời điểm bà Vy đầu tư, Mũi Né chỉ là một vùng biển đẹp, hoang sơ và người dân nơi đây vốn chỉ sống bằng nghề nông, làm rẫy, đánh cá, chế biến thuỷ sản và chưa có ngành cao cấp về dịch vụ.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments