“Passport công nghệ” mở lối cho trái cây Việt Nam

Ban Biên Tập

Đầu tư lớn cho công nghệ chế biến và bảo quản đã mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu trái cây.

Tuy bảo quản bằng công nghệ CA có chi phí cao hơn cách làm cũ nhưng tỉ lệ nông sản giảm chất lượng (phải bán hạ giá) giảm từ 30-40% xuống còn 2-10%.

Ngoài Thái Lan, Việt Nam mới có thêm đối thủ trong xuất khẩu trái cây là Campuchia khi nước này đã bắt đầu xuất khẩu được xoài và thanh long ra quốc tế. Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đáng kể vào ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.

Sức ép FTA

Nếu trước đây, mỗi ngày nhà máy chế biến Long Việt (Tiền Giang) cần 400 công nhân để phân loại, rửa, bảo quản 200 tấn thanh long, thì hiện nay, nhờ máy móc, nhà máy chỉ cần 100 công nhân. Đầu tư này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh lao động tại nông thôn không còn dễ tìm như trước.

Còn tại Công ty Hương Bưởi Miền Tây (Bến Tre), việc áp dụng máy rửa, phân loại bưởi và kho lạnh với sức chứa lên đến 1.000 tấn giúp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm lên đến 4 tháng. Song song đó, nhờ công nghệ xử lý nhiệt, xông hơi nước nóng giúp kiểm soát nấm thối trên trái cây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có thể sử dụng đường biển để vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí và giảm tỉ lệ thất thoát từ 40-50%.

Tại Tập đoàn Vina T&T (Bến Tre),  việc ứng dụng công nghệ giúp trái vải, trái nhãn có thể bảo quản được 50 ngày, thanh long 40 ngày, dừa 70 ngày và sầu riêng cấp đông có thể kéo dài cả năm. Nhà máy Dừa tươi Kim Thanh mới đi vào hoạt động của tập đoàn này đạt công suất 25 triệu trái/năm, đặc biệt là công nghệ hiện đại giúp thời gian bảo quản dừa tươi lên tới 80-90 ngày.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng Bộ môn sau thu hoạch, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận công nghệ sau thu hoạch rất tốt và nhanh. Đa số công nghệ, máy móc sử dụng từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật… có sự thay đổi trong khâu vận hành lắp đặt để phù hợp với từng loại trái cây và điều kiện của Việt Nam”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn, trong tháng 5, giá trị xuất khẩu rau, quả cả nước đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau, quả đạt khoảng 1,77 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Nhiều năm qua, mặc dù nông sản Việt có chất lượng tốt nhưng do khâu bảo quản, chế biến chưa đạt chuẩn dẫn tới giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Áp lực này ngày càng tăng khi Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chịu nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vina T&T, do công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam hiện còn hạn chế, khiến nhiều loại trái cây đến các thị trường xa như EU, Mỹ bị giảm chất lượng, không còn tươi ngon nên rất khó bán. Trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng các nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe nên họ sẽ tăng cường hàng rào kỹ thuật, kể cả Trung Quốc, thị trường vốn được xem là dễ tính, nay cũng dần khó tính hơn.

Nước mía, nước cóc sang Mỹ

Để khắc phục điểm yếu này, mới đây, Công ty Bảo quản Nông sản CASS đã đầu tư hệ thống kho bảo quản nông sản tươi bằng công nghệ điều chỉnh khí CA hoàn toàn tự động đầu tiên tại Việt Nam. Được nhập 100% từ Mỹ, toàn bộ quy trình hoạt động của kho đều được quản lý bằng phần mềm và hoạt động lưu trữ truy xuất đều vận hành bằng robot. Theo đó, trong các kho của CASS, rau quả, nông sản tươi sẽ rơi vào trạng thái ngủ đông, điều chỉnh tỉ lệ thành phần khí trong kho theo hướng giảm oxy xuống thấp và tăng nitơ lên tới trên 90%.

Tuy bảo quản bằng công nghệ CA có chi phí cao hơn cách làm cũ nhưng tỉ lệ nông sản giảm chất lượng (phải bán hạ giá) giảm từ 30-40% xuống còn 2-10%. Đến nay, đã có nhiều loại trái cây, nông sản được các doanh nghiệp tin tưởng đem đến gửi vào các kho của CASS như củ dền, khoai lang, ổi, dừa, bưởi, tắc, chanh, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chanh dây…

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Mười, Trường Ðại học Cần Thơ, dù ngân sách cho khoa học chưa đáp ứng nhu cầu, nhưng hiện Nhà nước đã chú trọng đầu tư ngân sách cho các đề tài nghiên cứu khoa học.

Vài tháng gần đây, Vinamit gây chú ý khi công nghệ đông khô của thương hiệu này được cấp bằng sáng chế tại Mỹ sau 3 năm chờ đợi. Công nghệ này giúp những món bình dân ở Việt Nam có mặt tại siêu thị ở nhiều thị trường khó tính. Đó là bột nước mía, bột nước cóc tươi sấy, mật dừa nước đông khô…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, giữa năm 2018, ông và các cộng sự tạo ra bột nước mía, bột cà phê, bột các loại rau… bằng công nghệ sấy thăng hoa. Khi thành công, ông Viên lập tức nộp đơn cho Mỹ và Việt Nam xin cấp bằng sáng chế cho thiết bị – công nghệ và bằng cho cả 500 sản phẩm trái cây, rau, củ, quả được tạo ra từ nền tảng công nghệ này. Ngoài việc phải chứng minh tại thời điểm nộp đơn Vinamit là đơn vị duy nhất sở hữu công nghệ, ông Viên còn phải chỉ ra hàng loạt đặc tính mới của sản phẩm, đó là giữ được hương vị tự nhiên, tươi mới với hàm lượng vitamin, khoáng chất và các vi khuẩn có lợi, tạo nên lợi ích cho đường ruột.

Ông Viên cho biết, Công ty cũng đang gấp rút hoàn thiện nền tảng công nghệ để phân phối sản phẩm đến khách hàng. Nghĩa là khách hàng sẽ tương tác trực tiếp trên nền tảng và được các chuyên viên tư vấn, đo đếm hiệu quả khi mua, dùng các sản phẩm dinh dưỡng của Vinamit. Nền tảng này áp dụng cho tất cả các thị trường của Vinamit, từ Việt Nam tới Mỹ, Nhật. Hiện nay, các sản phẩm này đã đến được thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Đức.

Khởi đầu là nước mía, Vinamit tiếp tục chế biến thành công và đưa ra thị trường chuỗi sản phẩm sấy đông khô nguyên bản các loại trái cây, rau củ khác của Việt Nam và cho đây là xu hướng tiêu dùng của tương lai. “Tôi mong góp sức vào nền nông nghiệp nước nhà bằng sức sáng tạo và những bước đi bài bản trong cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới, với tư cách doanh nghiệp khoa học Việt ứng dụng công nghệ mới”, ông Viên cho biết.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments