Có ba vấn đề liên quan đến doanh nghiệp (DN) mà tôi mong TP.HCM sớm quan tâm. Đó là độ phủ vaccine trong công nhân, tính hiệu quả và kịp thời khi cho phép DN chủ động các biện pháp phòng dịch và bảo vệ nguồn lực lao động.
Thứ nhất là kế hoạch tiêm vaccine cho công nhân. Muốn duy trì mục tiêu kép thì phải tính đến vai trò của công nhân, để từ đó có lộ trình cho rõ. Ví dụ mình đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay thì 2/3 dân số thành phố từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine. Vậy thì với công nhân cũng phải có lộ trình. Theo số liệu thì Thành phố có khoảng 1,6 triệu công nhân. Vậy thì đến ngày nào, tuần nào, tháng nào thì tiêm vaccine phủ cho nhóm này? Với 1,6 triệu công nhân, tính ưu tiên từ DN sản xuất hàng thiết yếu… thì tính toán theo quota chung vaccine của toàn thành phố để ra kế hoạch tiêm cho công nhân. Đây là điểm chiến lược trong ngắn hạn của Thành phố. Có thể phân tách ra, người lao động trong chuỗi cung ứng, logistic, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thậm chí cập nhật số liệu từng ngày, từng tuần cho thấy việc bảo vệ người lao động trong các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của Thành phố. Tôi thấy các hiệp hội lên tiếng kêu gọi chủ động nguồn vaccine nhưng đề xuất kế hoạch như thế nào thì chưa rõ ràng.
Thứ hai là tính hiệu quả và kịp thời trong việc cho phép DN chủ động các phần việc họ có thể làm.
Cụ thể là tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Về chủ trương thì Bộ Y tế đã cho phép các DN tự test nhanh cho người lao động của mình nhưng quá trình này vẫn có sự tham gia của Nhà nước là không cần thiết.
Tôi cho rằng, trừ trường hợp nơi nào có yêu cầu cần sự tham gia của Nhà nước can thiệp. Việc xét nghiệm liên quan đến chi phí, nếu mình cứng nhắc thì DN không test được. Ngành y tế chỉ cần chuyển giao quy trình và giám sát quy trình đó. Giám sát cũng không nhất thiết phải tổ chức nhân sự đến trực tiếp mà có thể qua camera sau khi đã tập huấn, hướng dẫn cho DN.
Không ai lo cho sự tồn tại của DN và sự sống còn của công nhân bằng người chủ doanh nghiệp. DN chính là người chịu trách nhiệm cao nhất với sự tồn tại của mình. Do đó việc xét nghiệm định kỳ này nên xử lý theo quy trình, tiêu chuẩn chứ không nên xử lý theo biện pháp hành chính như hiện tại.
Không cần chờ cơ quan y tế, DN có thể chủ động test cho công nhân, đóng dấu vào kết quả đó. Làm được như vậy thì tới đây ngành y tế không cần truy vết nữa mà tập trung vào công tác điều trị.
Nếu Bộ Y tế và các địa phương cho phép việc này thì mở ra một sự chủ động rất mạnh cho DN. Nếu DN nào không theo được quy trình tuân thủ, không đáp ứng thì mới cần sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Còn khi DN đã hệ thống hóa những việc này như một quy trình tiêu chuẩn ISO thì đừng áp thêm cho họ những thủ tục hành chính không cần thiết.
Hiện nay việc triển khai tự test nhanh tại các DN mới có hướng dẫn cho DN ở trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Những nơi này có ban quản lý, có đội y tế riêng giám sát việc lấy mẫu.
Đối với DN ở ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu họ tự làm, tự chịu trách thì cũng để họ xác nhận kết quả test nhanh cho người lao động. Hãy tạo điều kiện cho DN bảo vệ mình bằng cách tự xác nhận công việc này.
Ví dụ như việc tuân thủ an toàn lao động. Cơ quan chức năng đưa ra quy trình, tiêu chuẩn và sau đó kiểm tra theo định kỳ chứ không phải họ trực tiếp có mặt giám sát suốt quá trình sản xuất mới là đảm bảo an toàn lao động.
Thứ ba là liên quan đến nguồn lao động. Làn sóng di cư về các địa phương vừa qua cho thấy một thách thức đe doạ rất lớn cho lực lượng lao động của TP.HCM. Tôi sợ rằng không dịch này thì dịch khác xảy ra, Thành phố phải luôn đảm bảo được năng lực cạnh tranh của mình đối với khu vực. Giá trị trong chuỗi cung ứng là nguồn lao động cho nên trong tình hình hiện nay phải bảo vệ nguồn lao động. Đây là ưu tiên hàng đầu.
Tôi tha thiết mong TP.HCM có cách riêng để hỗ trợ công nhân. Bất kỳ công nhân nào bị ngưng việc, mất việc thì hỗ trợ cho họ. Số lao động đã về quê thì chăm lo như thế nào? Nếu không bảo vệ nguồn lao động thì sắp tới khi khống chế được dịch bệnh, các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan mở cửa sớm hơn mình thì năng lực cạnh tranh của mình đã giảm, nguồn cung ứng của mình bị chậm lại.
Thành phố đã đặt ra vấn đề an sinh nhưng với người lao động trong mục tiêu kép thì chưa được tách bạch, rạch ròi.
Theo Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC)
Bài đăng trên Doanh nhân Sài Gòn