Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm, phải “ra tay” quyết liệt với các “điểm nghẽn” đầu tư công
Bước vào năm 2021, thế giới lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế do niềm tin vào “sự sẵn sàng” của vaccine Covid-19.
Thậm chí, các tổ chức quốc tế có thời điểm vẫn điều chỉnh dự báo theo chiều hướng đi lên với tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Thế nhưng sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 khiến Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến cho nhiều tổ chức và cá nhân đang có cái nhìn kém lạc quan vào bức tranh tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm và cả năm 2021.
Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm? Động lực tăng trưởng từ đầu tư công và xuất khẩu có thể cứu cánh cho nền kinh tế… là những vấn đề Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đặt ra với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Với diễn biến mới và phức tạp của dịch Covid-19, ông nhận xét gì các dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm và cả năm 2021 của Việt Nam?
– Khi chưa xuất hiện đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, chúng ta vẫn còn khá lạc quan, nhiều doanh nghiệp dự kiến trở lại hoạt động, doanh nghiệp đăng ký mới cũng tăng. Điều này phần nào thể hiện qua các chỉ số kinh tế nửa đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Theo đó, kinh tế Việt Nam ghi nhận con số tăng trưởng kinh tế đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý II/2021.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi đáng kể trên nhiều mặt, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 157,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 28,4% so với cùng giai đoạn năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm tương đối đảm bảo với mức nhập siêu 1,47 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD.
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD (tính đến 20/6/2021) – giảm 2,6% so với cùng giai đoạn năm trước, nhưng vẫn nằm trong nhóm quốc gia đầu Đông Nam Á về thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với kinh tế Việt Nam đã được củng cố.
Về hoạt động đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020.
Bên cạnh đó, tiến độ thu ngân sách cải thiện với số thu ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu lần lượt bằng 55,9%, 79,8% và 68,8% dự toán năm.
Trước đó, năm 2020 (năm Covid-19 thứ nhất) tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 2,9% – mức thấp nhất trong nhiều thập niên, hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng xấu, cả trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm chung của thế giới, là một trong 10 nền kinh tế có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất.
Sự chắc chắn trong phục hồi kinh tế đã tương đối rõ. Tuy nhiên, kết quả của 2 quý đầu năm chưa thể hiện được tác động chính yếu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bắt đầu tác động mạnh từ tháng 6/2021.
Tại Việt Nam, một số đơn vị cũng đã đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế khác nhau.
Với kịch bản lạc quan nhất – tức là Việt Nam khống chế được dịch trong vài tháng tới, tăng trưởng GDP đâu đó sẽ trên 6%, dao động trong khoảng từ 6 – 6,3%.
Kịch bản thứ 2, mức dự báo thấp hơn từ 5,5% – dưới 6%.
Và trong kịch bản xấu nhất, dịch Covid-19 bùng phát và lan tràn từ nay tới cuối năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ đâu đó trong khoảng 5%, thậm chí dưới 5%.
Nói như vậy, có thể hiểu là kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi chắc chắn. Vậy những yếu tố thuận lợi nhưng đầy trắc trở trong 6 tháng cuối năm là gì?
– Chịu tác động năng nề của đại dịch Covid-19, năm nay đối với thế giới là năm phục hồi nhưng quá trình phục hồi này rất trắc trở, rất khó khăn, đặc biệt là đối với Việt Nam.
Tiến trình phục hồi của các nước phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh và mức độ khống chế dịch, hiệu lực các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, và việc tận dụng sự gia tăng trở lại của thương mại và đầu tư toàn cầu.
Ngoài ra, sự phục hồi còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như khả năng chống chịu các cú sốc và năng lực quản trị rủi ro của nền kinh tế.
Phục hồi và trắc trở cũng là đặc trưng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm nay, trong đó thách thức và thuận lợi đan xen.
Thách thức, bên cạnh việc hứng chịu những trắc trở chung của kinh tế thế giới (đứt gãy nguồn cung, lạm phát và dịch bệnh…), kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với các đợt dịch mới, nhất là đợt dịch thứ tư, phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn (đa nguồn lây, đa biến chủng SARS-CoV2; tốc độ lây lan nhanh, diện rộng).
Kể từ tháng 5/2021 đến nay, hàng loạt lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn… chịu tác động rất tiêu cực.
Đặc biệt, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã “đánh” trực tiếp vào các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh – trung tâm sản xuất và xuất khẩu thiết bị và linh kiện điện tử của Việt Nam, với dự báo sản lượng có thể giảm khoảng 40%-50% và tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP.HCM, Đông Nam Bộ, Đồng Nai hay Bình Dương,…
Đó là chưa nói nguy cơ tương tự cũng hiện hữu ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, trong đó có nhiều “cứ điểm” kinh tế quan trọng khác như Hà Nội.
Trong một thế giới nhiều rủi ro, bất định do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, muốn khống chế được dịch và tăng trưởng kinh tế chỉ có tiêm vaccine Covid-19. Theo kế hoạch của Việt Nam, nhanh nhất là vào quý I/2022, như vậy từ nay đến khi đó sẽ có rất nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế cùng với các khả năng tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Ngoài ra, triển vọng phục hồi nhưng trắc trở còn được phản ánh qua số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường.
Đến hết tháng 6/2021, hai đợt dịch đã ảnh hưởng xấu đến 12,8 triệu người lao động, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc (chiếm 4,4%); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 34,1%) và 8,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập (chiếm 66,4).
Cùng với đó, triển khai thực hiện đầu tư công, một thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, khó khăn hơn do các nhà thầu khó triển khai dự án khi giá vật liệu như thép, xi măng,… tăng mạnh, làm thui chột động lực và lợi ích của họ, thậm chí “bào mòn” toàn bộ lợi ích có thể có được.
Đối mặt không ít trắc trở, song Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc đó: sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân cùng kinh nghiệm chống dịch; kinh tế vĩ mô ổn định, hấp dẫn thu hút đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam và ý chí chính trị cao cùng những cải cách cơ bản đã được đặt ra.
Nhưng yếu tố thuận lợi nhất của năm nay đối với một quốc gia có một nền kinh tế mở như Việt Nam đó là, những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam đang phục hồi kinh tế, chẳng hạn như Hòa Kỳ, Trung Quốc hay một số nước Châu Âu.
Sự phục hồi của các đối tác này là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, một hai tháng gần đây có giảm nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn khá tốt. Đây là tín hiệu tích cực.
Đầu tư công – một thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được nhắc nhiều và được đặt nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội cũng đã chỉ ra rằng, đến hết tháng 6 năm 2021 còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch tính tới 30/6/2021 – giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2020 – cũng khiến Việt Nam ‘đánh rơi’ một vài điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế. Ông có thể lý giải nguyên nhân?
– Việc chậm trễ trong đầu tư công có 2 nhóm nguyên nhân, nhóm nguyên nhân cũ và nhóm nguyên nhân mới.
Nguyên nhân cũ đó là quá trình chuyển giao vốn của các Bộ, ngành, địa phương cho các chủ đầu tư thường khá chậm trong quý đầu tiên của năm. Bởi giai đoạn đầu năm thường là giai đoạn phân bổ vốn đầu tư và triển khai sẽ được đẩy vào cuối năm.
Ngoài ra, có những vấn đề đã tồn tại nhiều năm như chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở; vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc vướng mắc với tổng thầu…
Nhóm nguyên nhân mới, có 2 vấn đề rất quan trọng
Thứ nhất, như đã nói ở trên việc giá nguyên vật liệu – gồm nguyên vật liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu nước ngoài tăng nhanh, gây ảnh hưởng tới dự toán ban đầu của chủ đầu tư và nhiều nhà thầu xây dựng. Nhà thầu làm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” cuối cùng lỗ thì ai dám làm.
Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề này lại không đơn giản. Trên thực tế, vừa rồi Chính phủ cũng đã xử lý những vấn đề này nhưng chưa được tốt.
Hai là, nguyên nhân “sợ” trách nhiệm của cán bộ thực hiện. Chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám làm dám chịu vì cái chung, hiệu quả tổng thể trong bối cảnh luật lệ chưa thật “tường minh”, chồng chéo và còn điểm khuất, điểm mờ. Công chức chỉ được làm theo luật pháp nhưng luật pháp lại không đầy đủ, nhiều cái chưa tốt chưa chuẩn. Cho nên nếu muốn thúc đẩy được đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải đi giải quyết tất cả các điểm nghẽn này.
Vậy, đầu tư công có còn là thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm hay không, thưa ông?
– Không phải nghiễm nhiên Chính phủ muốn đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bởi so với nhiều lĩnh vực khác như du lịch, sản xuất công nghiệp,… đầu tư công là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng nhất, có thể tạm gọi là “miễn nhiễm”.
Trong khi đó, khi thúc đẩy đầu tư công sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa được nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho các doanh nghiệp và hơn thế nữa, đầu tư công còn tạo tiền đề cho phát triển sau này. Hiện dư địa của Chính phủ là có, vì trần đầu tư công thấp.
Như năm ngoái, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với những cơ chế, giải pháp đổi mới, đột phá, giải ngân đầu tư công cũng được đẩy nhanh trong 3 – 4 tháng cuối năm.
Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn nhiều so với các năm trước (đạt 97,46%), góp phần nâng tỷ lệ giải ngân bình quân giai đoạn 2016-2020 lên 83,4%.
Kịch bản tương tự có thể “lặp lại” trong năm 2021 này khi chúng ta vẫn còn 4 – 5 tháng nữa để thực hiện.
Bên cạnh đầu tư công, động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa cuối năm đó là các đối tác lớn của chúng ta đang phục hồi. Đây là điều kiện thuận lợi, Việt Nam phải tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tất nhiên, tất cả vẫn phụ thuộc 1 vấn đề rất quan trọng đó là khống chế dịch. Dịch bệnh được khống chế tới đâu thì dư địa cho sản xuất – kinh doanh mở rộng đến đấy. Ngược lại, dịch bệnh càng mở rộng, dư địa cho tăng trưởng kinh tế càng thu hẹp.
Khi nới lỏng chống dịch để phát triển kinh tế thì chính quyền và người dân thường chủ quan, dẫn tới rủi ro dịch bệnh. Ngược lại, khi siết chặt chống dịch thì sẽ có nhiều hệ lụy ảnh hưởng phát triển kinh tế và dân sinh. Đó là thực tế hiện nay. Có khả thi không nếu Việt Nam đánh đổi giữa y tế và kinh tế như các nước phát triển?
– Chúng ta không đặt vấn đề là đánh đổi hay không đánh đổi mà bản chất đó là phải đi tìm điểm tạm gọi là cân bằng giữa chống dịch và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, mà chúng ta cho là hợp lý.
Mở cửa hoàn toàn, cho 100% doanh nghiệp và người dân tự do hoạt động sản xuất kinh doanh mà không quan tâm đến dịch bệnh. Ngược lại, có thể thực hiện siết chặt hoàn toàn để chống dịch, nói theo kiểu ví von đó là “bắt dân không nhúc nhích”.
Đó chính là 2 phương án cực đoan và không chỉ có Việt Nam, các quốc gia khác trên thế giới cũng đang ở đâu đó giữa 2 điểm cực đoan này.
Tùy thuộc vào văn hóa, cách thức chống dịch, cách tuân thủ của người dân và nhìn nhận vấn đề của mỗi nước khác nhau sẽ lựa chọn các điểm cân bằng khác nhau phù hợp với mỗi quốc gia.
Nhật Bản chẳng hạn, họ vẫn tổ chức Olimpic dù dịch đang bùng phát ở Tokyo, đó cũng là một điểm chọn của quốc gia này.
Singapore cũng thực hiện tiêm vaccine Covid-19 rất nhanh và dự kiến tới tháng 8 có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, quốc gia này lại mở cửa một cách rất chậm, thận trọng và vẫn áp dụng truy vết.
Hay như với Việt Nam, chỉ có trong giai đoạn đầu (năm 2020) Việt Nam tập trung nỗ lực khống chế dịch, khi chưa hiểu về virus này và chưa có đủ năng lực chống dịch như hiện tại. Sau này, chúng ta có vẻ linh hoạt hơn giữa chống dịch và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong các giai đoạn khác nhau, độ phức tạp của dịch bệnh làm cho việc lựa chọn điểm cân bằng giữa 2 mục tiêu lại khó hơn, phức tạp hơn.
Hơn nữa, điểm cân bằng này còn là câu chuyện của từng địa phương, từng vùng. Ví dụ như các tỉnh vài chục ca dương tính Covid-19 có thể dùng phương án truy vết, nhưng như TP.HCM và Đông Nam Bộ hiện nay gần như truy vết là không thể, cách thức cũng phải khác.
Việt Nam lựa chọn thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hay giải thể cũng là con số không nhỏ. 12,8 triệu người lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Gói” hỗ trợ hiện nay có đủ đột phá?
– Như đã nêu, quá trình phục hồi còn gặp nhiều trắc trở; doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Yêu cầu ở đây không chỉ là giúp người lao động, doanh nghiệp vượt khó, phục hồi, mà còn tạo tiền đề có tính nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, sáng tạo.
Vì vậy, lúc này chúng ta cần phải có gói hỗ trợ đủ mạnh, Nhà nước cần chi mạnh tay hơn cho hỗ trợ dù có thể phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn, đủ kéo dài (ít nhất cho cả năm 2021).
Lưu ý là bên cạnh khả năng sử dụng một phần nguồn dự trữ ngoại hối (dù chưa thật dư giả) như nhiều quốc gia đã tận dụng, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2020 ở mức 55,8% GDP (hay gần 45% GDP sau đánh giá lại GDP), thấp hơn đáng kể so với mức 62% GDP cuối năm 2015; bội chi ngân sách từ 6,28% GDP giai đoạn trước xuống mức dưới 4% GDP giai đoạn 2016-2020. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá.
Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã được ban hành như Nghị quyết 68 của Chính phủ hay việc 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Nhưng cần làm gì để chính sách thực sự đi vào cuộc sống?
– Rút kinh nghiệm từ việc thực thi “gói” hỗ trợ lần thứ nhất, “gói” hỗ trợ lần này cần đảm bảo thực thi “nhanh, minh bạch”.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm đến tháng 4/2020, Việt Nam đã đề ra “gói” các giải pháp đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch, bao gồm: Hỗ trợ tài khóa (miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và nhất là giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất (trong 5 tháng); Hỗ trợ tiền tệ – tín dụng (giảm lãi suất khi cho vay mới; cơ cấu lại nợ; miễn, giảm lãi cho các khoản vay bị ảnh hưởng xấu; miễn, giảm phí,… cùng 3 lần Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành); Hỗ trợ an sinh xã hội (62 nghìn tỷ cho khoảng 20 triệu người trong các nhóm dễ bị tổn thương, khó khăn).
Phản ứng của Chính phủ tại thời điểm đó là kịp thời; nhiều chính sách là chưa từng có tiền lệ. Cách tiếp cận chính sách ở đây là diện bao phủ được hỗ trợ đủ rộng, kết hợp đảm bảo an sinh xã hội cùng cơ bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp còn có “dòng tiền” để cầm cự, duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn. Đáng tiếc là sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quá “cầu toàn” (như thiết kế điều kiện hỗ trợ an sinh xã hội), “sợ” trách nhiệm của cán bộ thực hiện. Thực thi chính sách nói chung rất chậm, hiệu quả thấp nhiều so với kỳ vọng.
Ví dụ như đến hết năm 2020 hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được hơn 12,8 nghìn tỷ, tức khoảng 20,6% tổng giá trị, cho gần 13 triệu người. Còn theo khảo sát diện rộng của Tổng cục Thống kê vào tháng 9/2020, chỉ có khoảng 18% số doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ ở mức độ khác nhau.
Từ bài học “thiếu hiệu quả” của năm ngoái, năm nay “gói” hỗ trợ đã có những cải thiện nhất định. Đơn cử như các chí xét duyệt để người dân được nhận hỗ trợ không còn phức tạp như năm ngoái – đó là tích cực. Hai là, một số tỉnh đã quyết liệt hơn và triển khai tốt hơn, ngay cả TP.HCM cũng vậy. Tất nhiên, chưa đạt được kết quả như mong đợi nhưng đã cải thiện rất nhiều.
Có ý kiến cho rằng đừng lo đồng tiền chi ra sai địa chỉ, người này người kia không đáng, quan trọng là tiền đến tay được dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Đó là chuyện xảy ra trên thực tế, thậm chí như Mỹ và Nhật Bản, người dân tại hai quốc gia này ai cũng được nhận hỗ trợ nhưng vẫn còn nhầm, trong khi đó Việt Nam chỉ lựa chọn một số đối tượng thì việc người được, người không là chuyện khó tránh khỏi.
Tôi nói như thế không phải để cổ vũ cho tiêu cực nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần phải lấy hiệu quả tổng thể làm thực đo đánh giá cao nhất.
Nếu chúng ta muốn triển khai nhanh thì làm sao có thể chuẩn 100%? Như tính toán của chúng tôi, tỷ lệ chính xác lên tới 96% đã là rất tích cực.
Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa đẩy lùi, không chế dịch bệnh, vừa tạo điều kiện tốt nhất có thể để doanh nghiệp vươt khó, phục hồi và bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là của nhiều nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam, cũng như với xu hướng phát triển mới. Hy vọng các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ được triển khai thực hiện nhanh, có hiệu lực và thật hiệu quả.
Theo Dân Việt