Mở lại chợ truyền thống, nên bố trí không gian sao cho an toàn, hiệu quả? – Kỳ 1

Ban Biên Tập

Cung ứng hàng hoá gặp khó nhưng không dễ để mở cửa lại chợ truyền thống ngay vì tiềm ẩn rủi ro dịch lây lan; vậy nên bố trí không gian chợ như thế nào cho an toàn, hiệu quả?

Hiện, hơn 75% số chợ truyền thống tại TP.HCM đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.

Những ngày gần đây, khi nhu cầu hàng hoá tăng đột biến do người dân TP.HCM tập trung đi mua sắm, dự trữ hàng hoá cho những ngày thực hiện giãn cách theo CT 16, nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng khan hiếm cục bộ. Điều này đã khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh cũng như tạo ra sự chênh lệch về mức giá giữa siêu thị, cửa hàng với điểm bán lẻ trên thị trường.

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, từ đầu tháng 7/2021, TP.HCM đã huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại… dể phân phối các mặt hàng thiết yếu nhưng so với trước khi thực hiện CT 16 thì hàng hóa vẫn thiếu hụt do khó khăn về luân chuyển, giao thông, tăng chi phí, yếu tố tâm lý của người dân trước các tin đồn…

Tình trạng người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vô hình trung tạo áp lực cho các cửa hàng cũng như tạo môi trường lây nhiễm dịch bệnh.

Theo nhiều chuyên gia y tế và thực tế diễn biến dịch khẳng định, các biến chủng của SARS-CoV-2, như biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ, lây truyền qua không khí. Khoảng cách lây truyền đã vượt qua lằn ranh 2m và qua báo cáo đã có trường hợp lây với khoảng cách 10m.

Nghiên cứu và thực tiễn cũng cho thấy biến thể mới có khả năng lây qua không khí mạnh trong môi trường kín, bật điều hòa. Chỉ 36 tiếng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, một người đã có xét nghiệm dương tính và có trường hợp đã lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm.

Thời gian vừa qua, để đảm bảo lượng hàng thiết yếu cho người dân TP, Sở Công thương đã đưa vào hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ đầu mối Thủ Đức và chuẩn bị thực hiện mô hình này tại chợ đầu mối Hóc Môn, cũng như cân nhắc việc mở cửa lại chợ truyền thống. Theo đó, Sở sẽ tận dụng cơ sở vật chất của các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động, bố trí cho 2 -10 tiểu thương buôn bán giãn cách, nhằm giảm tải cho hệ thống siêu thị.

Tuy nhiên, việc mở cửa lại chợ truyền thống là không dễ, khi địa điểm cung cấp các mặt hàng thiết yếu này cũng được cho là tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do tập trung đông người.

Dưới đây, Doanh nhân Sài Gòn xin giới thiệu 3 mô hình bố trí không gian khác nhau, dành cho chợ ngoài trời, chợ trong nhà lồng và cửa hàng tạp hoá giúp giảm thiểu rủi ro và nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 do tập trung đông người.

1. Chợ ngoài trời

Mô hình 1: Chợ ngoài trời phi chính thống. Ảnh: CDC Hoa Kỳ

Mô hình người bán và mua hàng tại một chợ nông sản ngoài trời, với cách bố trí không gian cùng các sạp hàng giúp giảm nguy cơ virus lây lan. Theo đó, lối vào và lối ra của chợ không được trùng nhau; cả người bán và mua đều phải thực hiện 5K trước khi vào chợ. Bảng hướng dẫn, tuyên truyền về giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay cùng cả dung dịch sát khuẩn được đặt tại lối vào cũng như rải rác trong chợ.

Các sạp hàng của người bán phải được đặt cách nhau từ 2m trở lên, đi kèm quầy hoặc bàn tính tiền để người mua – bán đặt tiền mặt thay vì gửi trực tiếp; thanh toán qua ví điện tử được khuyến khích. Thêm vào đó, cần có các điểm đánh dấu cách nhau từ 2m trở lên, được sơn màu nổi bật để người đi chợ biết vị trí đứng cũng như mũi tên chỉ hướng ra khỏi chợ.

2. Chợ trong nhà lồng

Mô hình 2: Chợ trong nhà lồng với các sạp bán hàng. Ảnh: CDC Hoa Kỳ

Trong hướng dẫn phòng dịch khi họp chợ từ trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại các nước đều khuyến khích họp chợ tại không gian mở, do đặc tính lây lan mạnh mẽ trong không gian kín của virus. Nhiều quốc gia trên thực tế chỉ cho phép mở cửa đối với các chợ ngoài trời. Tuy nhiên, vẫn có cách bố trí không gian phù hợp cho mô hình chợ trong nhà.

Về cơ bản, cách bố trí không gian dành cho chợ trong nhà lồng cũng tương tự như với chợ ngoài trời. Ngoài ra, cần lưu ý giới hạn số lượng người được phép đến chợ tại bất kỳ thời điểm nào để đảm bảo mọi người có thể duy trì khoảng cách ít nhất 2m.

Theo đó, cả chợ trong nhà lồng và ngoài trời phải đảm bảo tổng số người có mặt trong chợ tại một thời điểm không vượt quá 25% sức chứa tối đa. Để làm được điều này, ban quản lý chợ cần đóng tất cả các lối ra – vào khác bằng rào chắn… và chỉ cho phép 1 lối ra – vào duy nhất, cũng như bố trí nhân viên ở lối vào để kiểm soát lưu lượng người vào – ra.

3. Cửa hàng tạp hoá

Mô hình 3: Cửa hàng tạp hoá, siêu thị. Ảnh: CDC Hoa Kỳ

Ngoài giải pháp bố trí như trong hình, các cửa hàng tạp hoá hay thậm chí siêu thị, có thể áp dụng hình thức phát phiếu hẹn giờ mua sắm như một số siêu thị tại TP.HCM đã tiến hành những ngày qua. Bên cạnh đó, cần thực hiện kể cả giãn cách ở bên trong, kết hợp điều phối từng đợt khách vào – ra ở bên ngoài.

Đồng thời, phiếu đi siêu thị có thể được phát trước đó 1 ngày, chia theo ngày chẵn, lẻ và có thể được áp dụng kết hợp với hình thức bán hàng “Pick & Ship” (khách hàng chọn danh mục sản phẩm cần mua và ngồi chờ, nhân viên siêu thị sẽ lấy hàng thay, khách tiến hành thanh toán rồi ra về). Theo quan sát của phóng viên, tại một con hẻm bị phong toả tại P.8, Q. Gò Vấp, TP.HCM, người dân thậm chí chỉ cần gọi điện thoại cho cửa hàng đối diện, sẽ có nhân viên lấy hàng thay và giao; thanh toán được thực hiện qua ví điện tử.

Thêm nữa, để giảm tối đa nguy cơ cho người cao tuổi và có bệnh nền, các cửa hàng có thể chủ động khuyến khích các hộ gia đình trong khu vực cử một thành viên được chỉ định thay vì bất cứ ai trong gia đình đi mua thực phẩm và vật dụng. Theo đó, thành viên gia đình được chỉ định sẽ không phải là người già hoặc có bệnh nền, và đương nhiên, việc sắp xếp thời gian đến chợ cũng như truy vết (nếu có) sẽ đơn giản hơn nhiều.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments