Lê Hoàng Uyên Vy: Trở thành kỳ lân là cột mốc danh giá nhưng không phải đích đến của startup
Rời ESP Capital, cựu CEO Adayroi Lê Hoàng Uyên Vy bắt đầu hành trình mới với Do Ventures cùng tham vọng tìm kiếm những startup tiên phong cho thị trường Việt Nam. Theo Uyên Vy, đích đến của một startup rất dài và trở thành kỳ lân chỉ là một cột mốc trên con đường nhiều khó khăn đó.
Lê Hoàng Uyên Vy tốt nghiệp thủ khoa ngành tài chính Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown (Mỹ). Cô từng đảm nhiệm vai trò CEO dự án thương mại điện tử Adayroi của Vingroup và được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật châu Á (Top 30 under 30).
Mới đây, Uyên Vy bất ngờ rời vị trí Đối tác điều hành (General partner) của quỹ ESP Capital và cùng cựu CEO CyberAgent Việt Nam & Thái Lan Nguyễn Mạnh Dũng đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.
– Nhiều người tò mò tại sao chị lại từ bỏ vị trí Đối tác điều hành của ESP Capital và đồng sáng lập một quỹ đầu tư khác?
– ESP là quỹ đầu tiên tôi tham gia và cũng là cổ đông góp vốn. Khi tôi và anh Dũng có ý tưởng về việc xây dựng một quỹ đầu tư với quy mô to hơn, tôi quyết định giữ lại cổ phần tại ESP và đồng sáng lập một quỹ mới. Quỹ này giúp chúng tôi có thể làm việc chung và rất sâu với nhiều nhà đầu tư trong khu vực. Họ cũng góp vốn vào Do Ventures.
Với nguồn lực cộng hưởng như vậy, chúng tôi có thể giúp cho nhiều startup tại Việt Nam tăng trưởng vượt bậc và rút ngắn thời gian gọi vốn ở các vòng tiếp theo.
– Cả chị và anh Nguyễn Mạnh Dũng đều rất nổi tiếng trong cộng đồng startup Việt. Cơ duyên nào khiến anh chị bắt tay thành lập Do Ventures?
– Tôi và anh Dũng biết nhau từ năm 2011, khi đó tôi ở vai trò startup còn anh Dũng là nhà đầu tư. Đến năm 2015 khi tôi vào Vingroup làm việc, tôi và anh Dũng có trao đổi về một số “deal” (thương vụ) nhưng vẫn chưa có mối quan hệ làm việc chính thức.
Đến năm 2017-2018, khi tôi làm việc ở ESP Capital, chúng tôi có đầu tư chung vào một số startup như Luxstay. Từ những cơ hội làm việc chung, tôi và anh Dũng nhận ra rằng chúng tôi đều ước mơ giúp cho các startup tăng trưởng, muốn trở thành người khai phá và có tầm nhìn dài hạn rất giống nhau.
Đến năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, trong đó startup là nhóm doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất vì startup thường không có nhiều vốn và dòng tiền chưa dư.
Khi Covid tới tôi tin rằng có 2 chuyện xảy ra. Thứ nhất là rất nhiều hành vi tiêu dùng online thay đổi. Nhìn lại câu chuyện của Alibaba cách đây gần 20 năm khi diễn ra đại dịch SARS, thời gian đó rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc biết cách tận dụng online để kinh doanh. Tôi tin rằng Covid-19 cũng đem lại cơ hội tương tự dù còn hạn chế về các khía cạnh khác nhưng nó có thể giúp rất nhiều doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng.
Mặt khác khi Covid-19 diễn ra, nguồn vốn nước ngoài vào rất hạn chế, một nhà đầu tư nước ngoài rất khó làm được “deal” ở Việt Nam nếu không bay đến đây.
Vì 2 lý do đó, tôi và anh Dũng có thêm quyết tâm trong việc thành lập quỹ. Chúng tôi cũng nghĩ rằng dù việc này rất khó khăn nhưng khó thì mình mới phải làm, nếu dễ thì ai cũng làm rồi. Trong giai đoạn nhiều thách thức này, tôi và anh Dũng muốn tạo ra những tác động tích cực đến hệ sinh thái startup Việt.
– Quỹ đầu tiên của Do Ventures với quy mô 50 triệu USD và hiện đã huy động được hơn một nửa. Quá trình gọi vốn của anh chị có gặp nhiều khó khăn?
– Tôi nghĩ rằng quỹ mới nào cũng sẽ gặp khó khăn. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những khó khăn đó, quan trọng là mình cố gắng để kêu gọi nguồn lực. Nguồn lực ở đây không chỉ là tiền, nguồn lực ở đây là việc các doanh nghiệp hàng đầu sẵn sàng đồng hành với các startup Việt. Có rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới nhưng khi nhìn vào startup bé quá họ không muốn chịu rủi ro. Họ chỉ chấp nhận đầu tư khi các startup đã lớn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia vào quỹ cũng chấp nhận rủi ro như chúng tôi. Họ tham gia sớm, cung cấp cho chúng tôi những thông tin, định hướng, chiến lược, tư vấn cách thức vận hành một startup. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể đưa các startup vào hệ sinh thái của mình để tận dụng thế mạnh. Đó mới là điều quan trọng nhất, còn vốn chỉ là một phần nhỏ thôi.
– Do Ventures kỳ vọng sẽ tìm được những startup như thế nào và xây dựng được gì cho hệ sinh thái startup Việt?
– Chúng tôi dùng một thuật ngữ là “pioneer” (người tiên phong). Việt Nam đang có rất nhiều ngành mới, muốn thành công cần những người tiên phong – những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, rất tập trung và dùng hết sức lực để khai phá ngành đó. Được đồng hành với những người tiên phong là may mắn của Do Ventures và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp cho những người tiên phong đó biến giấc mơ thành hiện thực.
– Do Ventures dự định đầu tư bao nhiêu tiền vào mỗi startup?
– Tổng số tiền đầu tư cho một startup có thể lên đến 5 triệu USD nhưng sẽ trải qua 3 vòng. Vòng đầu tiên linh hoạt, nhưng thường sẽ rơi vào khoảng 500.000 USD. Tất nhiên tùy vào startup mà số tiền đầu tư có thể lớn hơn, như vừa rồi chúng tôi đầu tư 20 tỷ đồng vào F99 vì startup đã phát triển qua một giai đoạn rồi.
Sau khi đầu tư 500.000-1 triệu USD ở vòng đầu tiên, chúng tôi sẽ cùng đầu tư vào các vòng gọi vốn tiếp theo. Vòng Series A tại Việt Nam thường có quy mô 3-5 triệu USD, chúng tôi sẽ bỏ vào 1-2 triệu USD và gọi thêm các nhà đầu tư khác cùng tham gia.
Ở vòng Series B, các công ty tại Việt Nam thường huy động 15-20 triệu USD, Do Ventures sẽ tiếp tục đồng hành với startup và có thể đầu tư khoảng 3 triệu USD trong vòng này.
– Các tiêu chí lựa chọn startup của Do Ventures là gì?
– Thường chúng tôi nhìn 4 khía cạnh khi lựa chọn một startup để đầu tư. Thứ nhất là thị trường – có đang tăng trưởng tốt hay không, quy mô ra sao, mức độ cạnh tranh và các yếu tố khác.
Thứ hai là về sản phẩm nghĩa là sản phẩm startup đang làm có tương thích với thị trường hay không (product-market fit), có thể ứng dụng công nghệ để tăng trưởng không, startup đó có mô hình kinh doanh dài hạn, có khả năng sinh lãi hay không.
Thứ ba là cấu trúc của vòng gọi vốn, nhiều startup tiềm năng nhưng vòng gọi vốn đó hoặc cách tổ chức doanh nghiệp không phù hợp với mình cũng không thể tham gia.
Yếu tố cuối cùng là đội ngũ. Nhiều startup trong những ngành rất hấp dẫn nhưng nếu đội ngũ không toàn tâm toàn ý, không có gắn kết toàn thời gian thì rất khó. Yếu tố này được coi là yếu tố quyết định, nếu 3 yếu tố trên rất tốt những yếu tố cuối cùng không đạt khi thương vụ cũng không thể thành công.
– Sau “deal” đầu tiên vào nền tảng trái cây F99, Do Ventures sắp công bố những thương vụ mới?
– Do Ventures chỉ mới thành lập và để hoàn thành “deal” đầu tiên, chúng tôi đã phải làm việc rất tích cực, vừa nói chuyện vừa tìm hiểu trong vòng 6 tháng cùng thời điểm thành lập quỹ.
Hiện nay tôi cũng đang nhìn một số “deal” và kỳ vọng là có thể hoàn tất trong cuối năm nay nhưng đó vẫn chỉ là kỳ vọng vì làm một “deal” mất rất nhiều thời gian.
– Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup giai đoạn đầu. Sự cạnh tranh giữa các quỹ đang diễn ra như thế nào?
– Ở Việt Nam hiện nay số quỹ nội địa còn ít nên càng nhiều nhà đầu tư vào thị trường càng tốt. Khi có càng nhiều nhà đầu tư mình sẽ càng có nhiều vốn và câu chuyện thành công cũng nhiều hơn. Tác động tích cực từ những câu chuyện thành công sẽ giúp cho nhiều startup và tạo ra cái phễu startup đủ lớn để mình tìm kiếm được “deal”.
Quan điểm của tôi và các nhà đầu tư nội địa là trong giai đoạn này càng nhiều nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam càng tích cực. Quỹ đầu tư mạo hiểm có khái niệm là co-invest, nghĩa là một nhà đầu tư nội địa có thể dẫn dắt một vòng gọi vốn và những nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam lần đầu có thể tham gia cùng.
Đương nhiên sự cạnh tranh trên thị trường vẫn có nếu “deal” quá “hot” nhưng phần lớn là các quỹ sẽ cùng đầu tư.
– Cả chị và anh Nguyễn Mạnh Dũng đều là nhà đầu tư của Luxstay. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, lĩnh vực home-sharing mà startup này theo đuổi chịu rất nhiều ảnh hưởng. Anh chị có hỗ trợ gì cho Luxstay trong giai đoạn này?
– Đầu tư cho startup thì tiền chỉ là một phần, sự hỗ trợ mới là chính. Điều may mắn của Luxstay là founder dù còn trẻ nhưng có kinh nghiệm nhiều năm vận hành doanh nghiệp. Một trong những điểm tôi thấy ở startup này là khả năng ứng phó rất tốt, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang đóng cửa, gần như ngành kinh doanh của Luxstay ngừng hoạt động với doanh thu bằng 0.
Trong bối cảnh đó, Steven Nguyễn (CEO Luxstay) đã nhìn ra cơ hội và thông qua hội đồng quản trị phương án để tiết kiệm tối đa chi phí, trong khi doanh thu không ảnh hưởng quá nặng.
Startup này đã làm việc với Tổng cục du lịch, xin được hợp tác để làm mới Tạp chí Du lịch và triển khai nền tảng online cho tạp chí của Hiệp hội du lịch mang tên TravelMag.
Từ lúc có ý tưởng đến khi ra mắt chính thức chỉ trong vài tháng, đến bây giờ “traffic” (lượt truy cập) của trang này là vài triệu một tháng và TravelMag cũng đem lại doanh thu quảng cáo. Tất cả mọi người đều bất ngờ là năng lực triển khai và thực hiện của công ty lại nhanh như vậy. Doanh thu đến từ TravelMag đã bù được cho doanh thu mà Luxstay mất do dịch bệnh.
Chúng tôi hy vọng sau khi dịch bệnh hết và mọi người đi du lịch bình thường, TravelMag và Luxstay sẽ là một hệ sinh thái cộng hưởng giúp tăng thế mạnh của startup này.
– Từ bài học của Luxstay, quỹ của chị có xây dựng một quy trình để hỗ trợ startup khi những cuộc khủng hoảng tương tự Covid-19 bất ngờ diễn ra?
– Thật ra quy trình xử lý khủng hoảng lúc nào cũng có và Covid-19 thì không ai lường trước được. Về mặt nguyên tắc, khi làm một “deal” đầu tư, chúng tôi phải nhìn 2 điều: bức tranh rất tốt thì có những kịch bản nào và bức tranh xấu phải có những phương án B ra sao.
Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Covid-19, không chỉ các quỹ mà các doanh nghiệp cũng phải có những kế hoạch đó. Ngày xưa khi quỹ yêu cầu các doanh nghiệp phải có kế hoạch cho khủng hoảng thì một số công ty lo thừa nhưng sau Covid-19 thì cả quỹ và doanh nghiệp đều rất đồng lòng.
– Theo chị hậu Covid-19 những ngành nào sẽ hút vốn tại Việt Nam?
– Mới đây chúng tôi đã công bố báo cáo, trong đó có một khảo sát từ hơn 50 quỹ đầu tư nổi tiếng trong khu vực về những ngành sẽ có sự tăng trưởng và bứt phá sau Covid.
Ngành đầu tiên là giáo dục vì hiện nay mọi người đã bắt đầu quen với việc học online. Thứ hai là y tế, nhất là ứng dụng công nghệ vào y tế. Thứ ba là các ngành liên quan đến giải pháp cho doanh nghiệp. Thứ tư là các ngành giải trí online vì người dùng trực tuyến ngày càng nhiều hơn.
– Thời gian gần đây nhiều kỳ lân nổi tiếng thế giới sụp đổ, chị nghĩ như thế nào về thực trạng này và theo chị, cơ hội nào cho Việt Nam có thêm những startup tỷ USD trong tương lai?
– Có những doanh nghiệp cả trăm năm tuổi nhưng khi cuộc khủng hoảng diễn ra mà không có sự chuẩn bị, chuyển đổi mình thì vẫn thất bại. Vì vậy, không chỉ startup mà tất cả các doanh nghiệp đều đứng trước rủi ro là nếu không thay đổi, không có định hướng lâu dài thì sẽ chết. Nhưng startup sẽ rủi ro nhiều hơn vì nếu mô hình phát triển quá nhanh thì nó sẽ thiếu nền tảng.
Trên thế giới, việc đạt được mức định giá tỷ USD không phải điều quá khó nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn là điều rất khó. Một thị trường như Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, việc họ có những sản phẩm doanh thu vài trăm triệu USD là bình thường. Còn ở Việt Nam, dân số chưa bằng 1/14 của Trung Quốc, khả năng có kỳ lân sẽ khó hơn nhưng không phải là bất khả thi.
Tuy nhiên, định giá tỷ USD chỉ là cột mốc để các nhà đầu tư công nhận startup ở vòng gọi vốn đó. Doanh nghiệp có phát triển bền vững hay không là điều không ai biết được.
Tôi luôn nói với các founder ở Việt Nam rằng trở thành kỳ lân là cột mốc danh giá với startup. Số lượng startup tỷ USD ở Việt Nam rất ít so với Mỹ và Trung Quốc, vì vậy nếu được công nhận thì đó là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp.
Tuy nhiên kỳ lân không phải đích đến của startup vì đích đến của họ rất dài, khi công ty càng lớn thì áp lực càng nhiều. Những người tiên phong mới là những người làm việc khó nhất. Tôi kỳ vọng những bạn tiên phong sẽ có suy nghĩ tích cực để phát huy được hết thế mạnh của mình.
– Cảm ơn chị!
Theo NDH