Đồng sáng lập Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy tin tưởng khả năng phục hồi của startup và sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh mới có tính đột phá, sau Covid-19.
Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020. Năm qua, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019. Số lượng các khoản đầu tư cũng giảm 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II.
Đồng sáng lập Do Ventures, Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ với VnExpress tình hình hoạt động của startup Việt năm qua và triển vọng trong thời gian tới.
– Vì sao vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt Nam giảm mạnh gần một nửa trong năm 2020, thưa chị?
– Sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam là ảnh hưởng chung của cả thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Riêng tại Việt Nam, năm qua, giá trị vốn vào startup công nghệ Việt giảm 48% nhưng về số lượng thì chỉ giảm 17%. Việt Nam vẫn là thị trường có số thương vụ gọi vốn nhiều thứ ba Đông Nam Á.
Về giá trị, chủ yếu bị ảnh hưởng ở những “deal” lớn, các vòng gọi vốn hàng triệu hoặc chục triệu USD. Lý do bởi quy trình đầu tư buộc các quỹ và nhà đầu tư muốn rót số tiền lớn như vậy thì phải đến tận nơi, gặp trực tiếp đội ngũ, phỏng vấn, thẩm định, khảo sát thị trường… Tuy nhiên việc đi lại xuyên biên giới lại gặp ảnh hưởng rất nhiều.
Đáng chú ý, số lượng các thương vụ giá trị nhỏ dưới 500.000 USD lại tăng 11%. Điều này có nghĩa Việt Nam vẫn là thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn lại ba năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư mới trong khu vực. Năm 2018, lần đầu tiên chúng ta có những thương vụ giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD. Đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng gấp đôi. Năm 2020 nếu không có Covid-19 thì tôi tin vốn đổ vào startup Việt vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng rất mạnh.
– Vậy, công nghệ kết nối từ xa phát triển mạnh trong giai đoạn Covid-19 có tác động như thế nào đến hoạt động tương tác giữa nhà đầu tư và startup?
– Trong giai đoạn nửa cuối năm 2020, nhà đầu tư đều đã làm quen với trạng thái bình thường mới. Quá trình đầu tư diễn ra online nhiều hơn, từ việc gặp gỡ công ty mới, phỏng vấn, xem văn phòng thậm chí cũng được livestream để thẩm định đầu tư. Tuy nhiên trong năm qua họ chỉ mới làm quen ở vòng đầu tư nhỏ, ít rủi ro. Còn ở quy mô hàng chục triệu USD, thủ tục cần rất nhiều bước.
Hiện các quỹ cũng đứng trước nhu cầu cần giải ngân dòng tiền. Do đó quy trình thẩm định đầu tư sẽ tiếp tục được rút gọn và cởi mở hơn trong bối cảnh bình thường mới. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam trực tiếp cũng sẽ tìm cách rót vốn thông qua các quỹ nội địa.
– Cơ cấu vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm qua tập trung vào nhóm nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước. Thực tế này có ý nghĩa như thế nào với startup Việt?
– Nhà đầu tư, quỹ đầu tư Việt Nam có lợi thế khi có sẵn nhân sự tại chỗ, có sự thuận tiện về di chuyển, kết nối với các startup trong nước. Từ góc độ là một quỹ đầu tư, chúng tôi quan niệm rằng trong chính khoảng thời gian khó khăn mới là cơ hội để nhà đầu tư chung tay đồng hành với startup. Mình nên giúp họ vào thời điểm họ đang khó chứ không phải họ đang tốt, mình vào “hưởng ké”.
Bản thân Do Ventures là quỹ đầu tư thành lập trong thời kỳ Covid-19. Chúng tôi cho rằng các công ty công nghệ Việt Nam đang đứng trước thời cơ cực kỳ quan trọng. Số lượng người dùng online đang gia tăng rất nhanh. Có những ngành mà trước đây chuyển biến rất chậm, ví dụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhưng nay tất cả doanh nghiệp đều mở cửa với chuyển đổi số. Quan trọng là bây giờ startup có tạo được sản phẩm đủ tốt hay không.
– Chiều ngược lại startup cũng lo ngại có tình trạng “ép giá” khi gọi vốn trong giai đoạn khó khăn này, ví dụ lĩnh vực du lịch. Quan điểm của chị như thế nào?
– Trong thời điểm khó khăn, các startup phải cân nhắc liệu có một nguồn vốn nào khác để tránh tình trạng gặp phải những thương vụ mà mình cho là không có mức giá phù hợp và công bằng. Tôi từng khuyên nhiều startup đừng gọi vốn lúc này. Bởi có những startup trong ngành bị “xui” vì bối cảnh thế giới đang không tốt, ví dụ ngành phát triển không gian làm việc chung. Có một “kỳ lân” trên thế giới IPO không thành công, ảnh hưởng đến các startup Việt Nam dù có nhiều công ty đang làm ăn rất tốt, có lãi, định hướng cũng tiềm năng. Nếu có thể tận dụng nội lực hoặc sử dụng những phương án tài chính khác để phát triển đủ to thì có thể tìm được nhà đầu tư trả giá cao hơn. Trường hợp nếu không có cách nào khác buộc phải gọi vốn thì việc quyết định có chấp nhận nhận vốn đầu tư hay không, tùy thuộc vào bạn.
– Những lĩnh vực nào chứng kiến dòng vốn đầu tư duy trì mạnh mẽ. Ngược lại, những lĩnh vực nào đang thoái trào?
– Tất cả các lĩnh vực đang gắn bó chặt chẽ đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh, đi đầu luôn là thương mại điện tử, bán lẻ, thanh toán… Có những lĩnh vực tôi tin rằng sau Covid-19 sẽ có những chuyển đổi rất tích cực trong nền kinh tế số. Chúng ta cũng đã thấy bắt đầu có những thương vụ trong ngành giáo dục hoặc thúc đẩy chuyển đổi số, tự động hóa trong doanh nghiệp. Hiện số lượng “deal” nhỏ đang gia tăng. Đây cũng là chỉ báo cho thấy trong tương lai sẽ có những thương vụ với giá trị ngày càng lớn hơn được chốt.
Ngược lại, sẽ có những ngành tạm thời chững lại do Covid-19, đơn cử là du lịch. Tuy nhiên về nền tảng, nhu cầu du lịch là nhu cầu cốt lõi của xã hội. Việt Nam cũng là một điểm đến hấp dẫn. Do đó du lịch chỉ là ngành thoái trào tạm thời.
– Sau một năm rưỡi xuất hiện Covid-19, bối cảnh, tinh thần của cộng đồng startup hiện nay như thế nào thưa chị?
– Một điều bất ngờ là phần lớn các nhà sáng lập startup đều khá lạc quan. Trước hết vì ở Việt Nam không phải cách ly xã hội hoàn toàn như một số quốc gia khác. Kế đến, nhiều công ty rất linh hoạt để thích ứng với trạng thái mới. Tôi biết một công ty trong lĩnh vực giáo dục hiện sở hữu 12 trung tâm đào tạo kỹ năng mới cho trẻ như lập trình, robotics… Trong Covid-19, có thời gian họ buộc phải đóng cửa toàn hệ thống do yêu cầu giãn cách xã hội từ Chính phủ. Thế nhưng 6 tháng cuối năm họ có lãi, tính chung cả năm vẫn lãi và còn mở thêm được bốn trung tâm. Khó khăn đã thúc đẩy họ chuyển đổi số. Thay vì đào tạo hoàn toàn offline, họ chuyển hướng sang online, từ đó thu hút nhiều khách hàng hơn. Nếu không có khó khăn trong 6 tháng đầu năm do Covid-19 thì không biết bây giờ họ có quyết liệt chuyển đổi số hay không.
– Vậy năm nay Do Ventures định hướng đầu tư như thế nào?
– Với nhóm B2C, chúng tôi tập trung vào những lĩnh vực bắt kịp với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dùng số, chẳng hạn các lĩnh vực truyền thông số, giải trí số, kế đến là giáo dục, những ngành liên quan tiêu dùng, tương tác xã hội như thương mại trên mạng xã hội. Ở nhóm B2B, chúng tôi cũng chú ý đến các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác như SaaS, SME Solutions…
Tôi tin rằng sau khủng hoảng là cơ hội. Các founder làm thật, có đam mê lớn, có sức chống chịu, bền bỉ trước thách thức luôn là người có những giải pháp để vượt khủng hoảng. Trong hơn 10 năm làm việc và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp, tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhiều lần suýt phá sản nhưng nhờ nhà sáng lập của họ quá bền bỉ, doanh nghiệp đã sống dậy và phát triển cực kỳ to. Tôi tin không có doanh nghiệp nào nhỏ, quan trọng là tầm nhìn và sự bền bỉ của nhà sáng lập có đủ lớn hay không.
Nếu doanh nghiệp đang khó khăn thì chuyện đó bình thường. Nếu bạn có quyết tâm đủ lớn, nhìn ra được cơ hội trong khủng hoảng và chuyển đổi số nhanh thì sẽ luôn tìm được giải pháp thành công trong tương lai. Sau mỗi khủng hoảng đều có đổi mới sáng tạo. Những đột phá vĩ đại đều xảy ra theo khủng hoảng. Việt Nam có những ngành đang phục hồi rất nhanh và đây là thời cơ rất quan trọng với cộng đồng khởi nghiệp.
Theo Vnexpress