Nền tảng nội tại vững chắc giúp kinh tế Việt Nam có sức đề kháng và tiếp tục được thúc đẩy tăng trưởng trước các khó khăn.
VN-Index tăng 34,51% trong vòng 6 tháng, vượt xa chỉ số đại diện cho những sàn chứng khoán đang trong xu hướng đi lên như Abu Dhabi, Austria, Jordan, Luxembourg… Có thể thấy, so với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc phòng chống dịch COVID-19, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng, thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Với tâm lý đón đầu sự phát triển bền bỉ của nền kinh tế, thậm chí trong đại dịch, thị trường chứng khoán nóng lên là điều tất yếu.
Thêm vào đó, chi phí giá vốn đang được điều chỉnh giảm, các doanh nghiệp có cơ hội phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động lâu dài, bền vững và sẽ có sức bật cao hơn ở thời kỳ tiếp theo. Nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có thể thấy tỉ lệ tài sản của các doanh nghiệp có chiều hướng tăng. Đây là chỉ dấu rõ ràng nhất cho việc đầu tư thêm vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Khi lãi suất được giữ ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế thì chứng khoán sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và tại Việt Nam với nhiều đợt bùng phát cùng sự xuất hiện các biến thể nguy hiểm. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam chỉ đang chịu tác động tối thiểu từ các đợt bùng phát này.
Theo thống kê của VinaCapital, tổng lợi nhuận quý I/2021 của các công ty trong VN-Index tăng 80% so với quý I/2020 và ước tính tổng lợi nhuận của VN-Index trong cả năm 2021 sẽ tăng 30% so với cùng kỳ. Với dự đoán này, VN-Index đang giao dịch tại PE 17x, vẫn thấp hơn bình quân giao dịch PE 19x của các nước trong khu vực như Indonesia (18,5x), Philippines (19,1x) và Thái Lan (19,4x). Chúng tôi kỳ vọng định giá chứng khoán của Việt Nam sẽ tiến đến gần định giá của khu vực trong thời gian tới.
Trong bối cảnh này, tính từ đầu năm đến cuối tháng 5.2021, danh mục cổ phiếu niêm yết của Quỹ VOF đã đạt mức tăng trưởng ròng trên 40% trong khi VN-Index chỉ tăng hơn 22%. VinaCapital đã có nhiều cơ hội đầu tư tư nhân trong 12 tháng qua.
Chẳng hạn như đầu tư vào Bệnh viện Quốc tế Thu Cúc tại Hà Nội và gần đây nhất, chúng tôi đã đầu tư gần 1.000 tỉ đồng vào Công ty Đất Xanh Services (DXS). Bên cạnh đầu tư tài chính, chúng tôi luôn mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp này nhắm tới mục tiêu đưa DXS thành doanh nghiệp tỉ USD trong vòng 3-5 năm tới.
Ngoài ra, Quỹ VinaCapital Ventures gần đây đã đầu tư vào GoStream và Homebase. Đặc biệt, Công ty VinaCapital GS Energy Pte. Ltd. – liên doanh giữa Tập đoàn VinaCapital và GS Energy Corporation (Hàn Quốc) – cũng đã được chấp thuận đầu tư vào dự án nhà máy điện LNG quy mô 3 tỉ USD tại Long An. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các công ty tư nhân và doanh nghiệp niêm yết lớn cũng như các công ty khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ.
Một số tổ chức tài chính nước ngoài (như Bank of America Merrill Lynch, UBS và Goldman Sachs) đã dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức khá cao – trước đợt bùng phát thứ 4. Tuy nhiên, các dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng cao hơn mức 6,5% được dựa trên giả thiết nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài sẽ phục hồi trong năm nay – điều mà chúng tôi cho rằng khó có khả năng xảy ra.
Trước diễn biến của đợt bùng phát COVID-19, chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay là vô cùng thử thách, ngay cả khi chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng. Mặc dù vậy, nếu Việt Nam bảo đảm được việc tiêm vaccine cho phần lớn dân số thì khả năng mở cửa đón khách du lịch nước ngoài trở lại và từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2022.
Trong dài hạn, triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là rất khả quan và hấp dẫn. Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đang đóng góp khoảng 20% trong GDP của Việt Nam và cũng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Ở các quốc gia được mệnh danh là các “Con hổ châu Á” như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, tỉ lệ này đã đạt đỉnh ở mức trên 30%. Điều đó cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng trong ít nhất 10 năm nữa.
Nỗ lực tiếp cận và sử dụng hiệu quả dòng vốn nội địa cùng với dòng vốn FDI khổng lồ có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam thông qua việc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, cũng như cải thiện chất lượng sống của người dân. Chúng tôi cho rằng Việt Nam nên tiếp tục thu hút càng nhiều vốn FDI chất lượng cao càng tốt, cho đến khi chi phí nhân công không còn là yếu tố hấp dẫn khiến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư