Đề xuất sửa đổi bổ sung quy định quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Ban Biên Tập

Một trong những điểm quan trọng đó là quy định về quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông; đề xuất sửa đổi bổ sung danh mục các thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng Nhà nước cần quản lý cạnh tranh…

Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

Quá trình thực hiện Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập như vấn đề quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, cấp phép viễn thông, quản lý giá cước, khuyến mại dịch vụ viễn thông, quản lý tài nguyên kho số viễn thông. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm bảo đảm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cải cách hành chính…

Theo đó, liên quan đến vấn đề quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, căn cứ khoản 7 Điều 19 Luật Viễn thông và khoản 2 Điều 4 Luật Cạnh tranh (2018), dự thảo đề xuất sửa đổi Điều 6 Nghị định số 25 quy định lại thẩm quyền xử lý các vụ việc cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông của Cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông theo đúng Luật cạnh tranh là xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi cạnh tranh đặc thù quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Viễn thông. Bổ sung quy định khi xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế trong viễn thông thì Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia lấy ý kiến tham vấn Cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông.

Dự thảo cũng bổ sung quy định danh mục các thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng Nhà nước cần quản lý cạnh tranh theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Viễn thông. Đối với thị trường dịch vụ bán lẻ, đề xuất quy định 2 thị trường: dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định và dịch vụ thông tin di động mặt đât.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, đây là 2 dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu thông tin liên lạc của xã hội, chỉ đạo điều hành của Nhà nước và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cần phải quản lý, thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp để phát triển.

Ngoài ra, căn cứ Luật Cạnh tranh và khoản 4 Điều 19 Luật Viễn thông, dự thảo đề xuất bổ sung quy định các tiêu chí xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trên các thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng cần quản lý cạnh tranh để thực hiện quản lý cạnh tranh theo cơ chế tiền kiểm đối với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo đúng thông lệ quốc tế và quy định của Luật Viễn thông.

Theo dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng Nhà nước cần quản lý cạnh tranh như sau. Một là thị phần của doanh nghiệp trên thị trường dịch vụ viễn thông được xác định theo tỷ lệ phần trăm về doanh thu dịch vụ viễn thông hoặc số lượng thuê bao viễn thông phát sinh lưu lượng của doanh nghiệp trên tổng doanh thu dịch vụ viễn thông hoặc tổng số lượng thuê bao viễn thông phát sinh lưu lượng của các doanh nghiệp trên thị trường dịch vụ viễn thông đó.

Hai là doanh nghiệp viễn thông được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng Nhà nước cần quản lý cạnh tranh hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Bà là doanh nghiệp viễn thông được xác định có sức mạnh thị trường đáng kể trên thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng Nhà nước cần quản lý cạnh tranh nếu có thị phần từ 10% đến dưới 30% trên thị trường dịch vụ viễn thông đó và thuộc một trong các trường hợp: có tổng tài sản ghi tại bảng cân đối kế toán trong hệ thống báo cáo tài chính của năm kế trước chiếm từ 40% trở lên trên tổng tài sản trong báo cáo tài chính của năm kế trước của tất cả các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường dịch vụ viễn thông đó. Có dung lượng đường trục Bắc Nam chiếm từ 40% trở lên trên tổng dung lượng đường trục Bắc Nam của các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường dịch vụ viễn thông đó…

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định danh mục các dịch vụ bán buôn cần quản lý và bổ sung biện pháp quản lý cạnh tranh trên các thị trường dịch vụ bán buôn. Trong đó quy định các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bán buôn cho các doanh nghiệp viễn thông khác nhằm giảm thiểu rào cản gia nhập thị trường, thúc đẩy cạnh tranh trên các thị trường dịch vụ bán lẻ.

Theo VnEconomy

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments