Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nhìn từ mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP 5,64% và 500 nghìn tỷ tín dụng
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 qua các con số của Tổng cục Thống kê nói lên điều gì? Sức khoẻ nền kinh tế thế nào? Dòng vốn chảy đi đâu? Đây là vấn đề mà Dân Việt đã cùng nhiều chuyên gia phân tích và đưa ra để bạn đọc tự nhìn nhận.
Tăng trưởng GDP và tín dụng: tương quan hợp lý
Tổng cục Thống kê vừa đưa ra các con số đáng lưu ý trong 6 tháng đầu năm, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 5,64% và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47%.
Trao đổi với Dân Việt về tình hình kinh tế vĩ mô nửa đầu năm, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% tuy chưa cao như mong muốn nhưng là đáng khích lệ nếu so với mặt bằng chung trên thế giới và khu vực.
Đặc biệt, xét trong mối tương quan giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng khoảng 5,47% (tương đương khoảng 500 nghìn tỷ đồng – tính đến 21/6 theo Tổng cục Thống kê), là mối tương quan hợp lý.
Cụ thể, quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây.
Tốc độ tăng dư nợ tín dụng/tốc độ tăng GDP đã giảm mạnh từ mức 5,4 lần thời kỳ 2006-2010 xuống còn 2,61 lần thời kỳ 2011-2015.
Giai đoạn 2016 – 2020 chỉ còn dưới 2,5%, tức là để tăng trưởng 1% GDP thì tăng trưởng tín dụng khoảng 2 – 2,5%.
“Dựa trên ước tính của những năm trước, tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5,47%, như vậy cả năm có thể lên tới 13 – 14%. Đây là mức tăng trưởng tương đương với những năm gần đây.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP cũng được dự báo trên 6%. Như vậy, mối quan hệ giữa tín dụng và tăng trưởng GDP hiện vẫn đang được duy trì ở mức hợp lý, không có sự đột biến nào so với thông thường.
Qua đó cũng cho thấy, việc phát triển thị trường tài chính tiền tệ đã được quan tâm đã giảm bớt sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào nguồn tín dụng ngân hàng. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nói về tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP cần phải được xem xét trên cơ sở 1 năm. Theo đó, thông thường tăng trưởng tín dụng sẽ cao gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP, chẳng hạn năm nay, tăng trưởng kinh tế 5%, thì tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 12%.
“Sau 6 tháng, tăng trưởng tín dụng/ tăng trưởng GDP trên 1% – con số này chưa thể hiện điều gì. Vấn đề đặt ra là liệu con số tăng trưởng tín dụng 5,47% trong 6 tháng đầu năm có phù hợp hay không? Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, đó là các con số phù hợp trong giai đoạn này khi nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh”, ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho hay với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 – 6%.
Dòng tiền chảy đi đâu?
Mặc dù thừa nhận, tương quan giữa tín dụng và tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm “chưa nói lên điều gì” nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, sự chuyển động của dòng tiền thời gian qua thể hiện rõ nhất là vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Đây là hiện tượng “không tăng cường sức khỏe cho nền kinh tế”, ông Hiếu nói.
Cụ thể, số liệu thống kê vừa qua đều cho thấy, tín dụng vào bất động sản ước tăng 6% trong 6 tháng đầu năm, tương đương với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, đã có thời điểm tốc độ tăng trưởng chung thấp hơn so với tăng độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Chưa kể, nguồn tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản đang “ẩn nấp” dưới các hình thức khác như vay tiêu dùng, phát hành trái phiếu có trái chủ chính là các ngân hàng,… nếu tính đủ thì tín dụng đổ vào bất động sản sẽ lớn hơn nhiều con số được báo cáo.
Đối với thị trường chứng khoán, dòng tiền chảy vào thị trường này cũng cao kỷ lục (thanh khoản mỗi phiên xấp xỉ 1 tỷ USD), từ đó tạo sức nóng cho thị trường chứng khoán.
Điều đáng nói, theo ông Hiếu, việc “nóng, sốt” trên thị trường chứng khoán chủ yếu xuất phát từ thị trường thứ cấp. Ở thị trường này, tiền mua đi bán lại được thực hiện giữa các nhà đầu tư, đầu cơ. Vì vậy, không đổ vào sản xuất kinh doanh giống như dòng tiền trên thị trường sơ cấp.
Đồng tình với quan điểm cho rằng, tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng đang ở mức hợp lý song theo TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế, không loại trừ việc một phần tín dụng đã được đưa vào các doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu.
“Tín dụng cũng chưa thể đi vào sản xuất – kinh doanh bình thường như giai đoạn 2017 – 2018 bởi hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị tắc. Vì vậy, tín dụng hiện nay, ngoài chảy vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, thì một phần vẫn chảy sang các doanh nghiệp kẹt nợ, phải vay để trả nợ”, ông Hiển nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, NHNN đang kiểm soát rất chặt tín dụng bất động sản và chứng khoán. Việc nguồn vốn ồ ạt vào hai thị trường này trong nửa đầu năm nay, theo ông Thịnh, không phải từ tín dụng, mà từ kênh khác tiết kiệm cá nhân, vàng,…
“Nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro, tôi cho rằng, dòng tín dụng đang đi đúng vào sản xuất – kinh doanh, tạo đà cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định trong tương lai”, ông Thịnh nhận định.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, NHNN đã đưa ra hạn mức với tín dụng chứng khoán, ngân hàng không phải muốn cho vay là được. Trên thực tế, dư nợ cho vay chứng khoán của hệ thống vẫn chỉ dưới 1%, còn xa hạn mức cho phép.
Riêng với tín dụng bất động sản, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã thấp hơn nhiều so với những năm trước đây, chủ yếu phục vụ nhu cầu vay, mua nhà của người dân. Tín dụng bất động sản kinh doanh (mang tính đầu cơ) chỉ chiếm 35% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Phó Thống đốc cũng cho hay, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.
Để mở rộng tín dụng sản xuất – kinh doanh trong thời gian tới, NHNN đang chỉ đạo đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
“Ngành Ngân hàng đặt mục tiêu hỗ trợ vốn, duy trì sự ổn định, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo Dân Việt