Trong khủng hoảng hãy cố gắng là người ở lại cuối cùng trong cuộc chơi này thì xem như thành công. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, đã có những chia sẻ về vấn đề quản trị kinh doanh thời Covid-19.
Với tinh thần đó, trong quý I và quý II vừa qua, Thế Giới Di Động (TGDĐ) tập trung đánh giá tình hình, vì không đánh giá đúng tình hình thì sẽ có những hành động sai lệch. Sau khi đánh giá tình hình, TGDĐ đưa ra những đối sách để giảm tác động của đại dịch. Trong đối sách cũng chia ba nhóm: chữa cháy, đối sách bán hàng trung và ngắn hạn trong 1-2 năm và đối sách 2-3 năm.
Mọi năm, TGDĐ tăng trưởng 30% nhưng năm nay không thể mong con số đó nữa. Trước nhiều ý kiến đánh giá doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ Covid-19, tôi cho rằng đây chỉ là ngắn hạn và TGDĐ đã đưa ra những sách lược đầu tiên là bảo vệ dòng tiền, kéo dài thời gian công nợ và thắt lưng buộc bụng, cái gì cắt được thì cắt còn những gì dài hơi thì nên treo lại hoặc làm chậm vòng tiền đó. Đặc biệt, khi nhiều người nghĩ rằng trong khó khăn phải nỗ lực bán thêm hàng bằng cách giảm giá, khuyến mãi thì TGDĐ lại đi ngược lại. Bởi vì có cầu đâu mà kích, chi phí kích lên còn tốn hơn tiền mang về. Đó là một chiến lược xuyên suốt và kết quả là doanh thu của TGDĐ năm nay không tăng nhưng lợi nhuận tăng.
Riêng nhân sự thì đi theo hướng không cắt giảm mà tìm cách chia sẻ khó khăn với nhau để cùng vượt qua giai đoạn này rồi duy trì kinh doanh. Để duy trì nhân sự thì cũng phải duy trì kinh doanh và chúng tôi liên tục xem tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào? Sức mua có chuyển biến như thế nào để xây dựng những đối sách mới. Và những đối sách mới này là để đối phó với dịch bệnh chứ không phải để phát triển doanh nghiệp. Khi dịch bùng phát vào khoảng tháng 3 và tháng 4 là thời điểm để TGDĐ kiểm soát chi phí.
Và việc đầu tiên là đánh giá mặt bằng nào không mang lại doanh thu thì đóng cửa, bên cạnh đó là những chính sách điều động nhân viên bởi vì chúng tôi không muốn “bỏ bớt” nhân sự bởi xác định con người là quan trọng nên nếu các bạn làm ít giờ công hơn thì có thể tham gia vào mô hình giao hàng online… cắt giảm thu nhập nhưng giảm có tình có lý, lương thấp thì được nâng lên, còn nhân viên đã có thu nhập cao thì giảm xuống. Cụ thể dưới 3 triệu đồng thì thu nhập tăng lên. May mắn là chính sách về thu nhập chỉ áp dụng có một tháng, sau đó tình hình có vẻ không bi đát như là đánh giá.
Trong giai đoạn bình thường mới, TGDĐ tập trung vào tăng trưởng, giai đoạn này công thức của TGDĐ là cố gắng + hiệu quả, cái gì làm không hiệu quả thì sẽ không làm. Tóm lại trong đại dịch, TGDĐ đã có khả năng tùy biến, xoay sở như Darwin từng nói: “Không phải khỏe nhất là tồn tại mà có khả năng thích nghi cao nhất mới tồn tại”. Với nguyên lý đó, TGDĐ đã luôn xoay sở, linh hoạt nhanh nhẹn trong hành động, có thể hôm nay làm cái này nhưng 2-3 ngày sau thấy không ổn là lập tức phải thay đổi, chính sự sẵn sàng thay đổi, thậm chí những thứ mà mình mới làm ngày hôm qua cũng có thể thay đổi mà TGDĐ đã vượt qua khó khăn. Đây không phải là một lý thuyết gì cao siêu cả mà nó đơn giản là một sự thích ứng rất nhanh với những thay đổi. Bởi ngành bán lẻ bắt buộc phải có sự linh hoạt… chính cái đó đã giúp cho TGDĐ xoay xở khá nhanh trong giai đoạn này.
Theo Doanh nhân Sài Gòn