Liên tiếp các kế hoạch mở rộng
Antler – quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong có trụ sở tại Singapore mới đây đã công bố kế hoạch mở rộng sang Việt Nam với những hoạt động đầu tiên được triển khai tại TP.HCM vào cuối năm nay. Quỹ muốn đầu tư 8-10 start-up trong nhóm đầu tiên và tiếp tục tăng số lượng trong tương lai.
Ông Erik Jonsson, Giám đốc Quỹ Antler Vietnam chia sẻ, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trẻ và sành công nghệ. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành công nghiệp hấp dẫn cho các start-up và quỹ đầu tư Singapore nhắm đến.
Một ví dụ là start-up Homebase mà Antler đã rót vốn. Homebase được thành lập bởi hai doanh nhân trẻ và tài năng ở Singapore và họ đã chọn Việt Nam làm thị trường đầu tiên để ra mắt. Trên thực tế, nhiều start-up Singapore sẽ đi theo con đường tương tự Homebase và áp dụng kiến thức chuyên môn cùng kinh nghiệm của họ vào thị trường sôi động như Việt Nam.
“Trong khi Singapore là một thị trường rất phát triển, thì Việt Nam mang đến nhiều cơ hội mới với quy mô mà rất ít quốc gia khác trong khu vực có thể sánh bằng. Việt Nam đang khẳng định vị thế của mình như một trung tâm công nghệ trong khu vực và chúng tôi dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư Singapore đang muốn tìm kiếm sự tăng trưởng, từ các khoản đầu tư giai đoạn đầu cho đến những start-up lớn”, ông Jonsson cho biết thêm.
Sự hiện diện của các start-up và quỹ đầu tư Singapore có thể giúp hệ sinh thái Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới và đạt tiêu chuẩn quốc tế với việc giao lưu giữa đội ngũ nhân tài, công nghệ và quản trị.
Giống như Antler, nhiều quỹ đầu tư Singapore đã và đang gia tăng hoạt động tại Việt Nam trong vài năm qua, như BEENEXT Capital Management, Openspace Ventures, Wavemaker Partners, Golden Gate Ventures và Quest Ventures. Các start-up nổi bật Singapore đang hoạt động tại Việt Nam gồm Shopee, Grab và ShopBack. Trong khi Shopee và Grab đã phát triển mạnh mẽ, thì ShopBack vừa kỷ niệm một năm hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Các start-up Singapore bị hấp dẫn bởi tiềm năng của thị trường Việt Nam với dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng cao của tầng lớp trung lưu. Trong báo cáo mới nhất của PwC về mức độ sẵn sàng về kỹ thuật số Việt Nam, hơn 80% người Việt được khảo sát mong muốn hiểu biết về kỹ năng số và tin rằng, công nghệ sẽ thay đổi công việc hiện tại của họ. Hơn một nửa đang học các kỹ năng mới để cải thiện khả năng tuyển dụng trong tương lai. Những người được hỏi chủ yếu là thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp. Họ tin rằng, việc nâng cao và đào tạo lại các kỹ năng là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Ông Lim Boon Chow, Phó giám đốc phát triển doanh nghiệp của NTUitive Pte Ltd – công ty đổi mới doanh nghiệp trực thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) đánh giá: “Điều này không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong những quốc gia có trình độ công nghệ thông tin cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, được coi là nơi tốt nhất để tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài công nghệ. Sự kết hợp của các yếu tố này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong các kế hoạch mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Singapore, chỉ xếp ngay sau Indonesia”.
Còn nhiều cơ hội
Những năm qua, Singapore và Việt Nam đã triển khai một số sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Năm 2019, Enterprise Singapore – cơ quan kinh tế thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore – đã hợp tác với Saigon Innovation Hub (TP.HCM) công bố Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu tại Việt Nam.
Enterprise Singapore đã mở rộng mạng lưới Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu đến TP.HCM giữa năm 2019, cung cấp cơ hội đầu vào cho các công ty khởi nghiệp Singapore và các doanh nghiệp nhỏ hơn để kết nối với cộng đồng doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo địa phương ở Việt Nam.
Các công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hệ sinh thái đổi mới đã được thiết lập của Singapore và kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp hàng đầu châu Á có trụ sở tại Singapore để mở rộng hơn nữa quy mô kinh doanh của họ. Chương trình Tăng tốc đầu tiên đã được triển khai vào tháng 7/2020, bao gồm các hoạt động hướng dẫn và kết nối kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore và Việt Nam. Trong khi đó, NUS Enterprise, cánh tay kinh tế của Đại học Quốc gia Singapore đang hợp tác với Tập đoàn Becamex IDC để thiết lập BLOCK71 tại TP.HCM nhằm khuyến khích trao đổi khởi nghiệp Việt Nam – Singapore.
Tháng 8/2021, Chương trình NINJA Accelerator tại TP.HCM đã chính thức khởi động. Đây là một chương trình khởi nghiệp tăng tốc kéo dài 3 tháng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, được thực hiện dưới sự hợp tác với NTUitive Pte Ltd và các đối tác tại Việt Nam, gồm Saigon Innovation Hub (SIHUB), Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM (ITP) và Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC).
Tháng 6 vừa qua, chương trình trên đã khép lại với màn huy động vốn thành công lên tới 2,7 triệu USD của start-up Xperx AI trong trò chơi gọi vốn ảo NTUit.io Investment Game. Từ quý III/2021, mô hình khởi nghiệp tăng tốc của NINJA Accelerator sẽ tiếp tục được nhân rộng tại Việt Nam thông qua mạng lưới đối tác gồm các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp và đơn vị đào tạo trong nước.
Ông Chow chia sẻ, các start-up Singapore, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ sự kết nối và giao lưu giữa nhân tài, ý tưởng, công nghệ và các kênh tiếp cận thị trường. Thông qua các đối tác phù hợp, các start-up từ 2 quốc gia có thể cung cấp kiến thức và hiểu biết cơ bản để hiểu và định hướng thị trường mới.
“Với hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, chúng tôi thấy có nhiều cơ hội cho các start-up Singapore tham gia hệ sinh thái sôi động này để tìm kiếm đối tác, cùng nhau khởi nghiệp và đưa ra giải pháp mới”, ông Chow nói thêm.