Founder Axie Infinity: Tôi không phải tỷ phú công nghệ! Cột mốc triệu đô của chúng tôi không tự dưng đến sau 1 đêm
Việc coin AXS của game blockchain Axie Infinity từ công ty Sky Mavis vừa đạt giá trị vốn hóa trên 2 tỷ USD, đã gây xôn xao giới khởi nghiệp game Việt Nam. Tuy nhiên, token này cũng chứa đựng rủi ro cho nhà đầu tư lúc này.
Theo lời chia sẻ của Trung Nguyễn, ý tưởng phát triển game Axie Infinity vào năm 2017 sau khi cảm thấy bị một trò chơi blockchain khác là CryptoKitties lôi cuốn. Axie Infinity là game được xây dựng trên blockchain lấy cảm hứng từ game Pokémon nổi tiếng trên toàn cầu, nơi người chơi có thể chiến đấu, thu thập, nuôi và xây dựng một vương quốc trên đất liền cho thú cưng của mình.
Cũng giống với trò CryptoKitties, Axie Infinity sử dụng công nghệ NFT (Non-fungible token) để sáng tạo sản phẩm. Hiểu nôm na là với công nghệ mới này, các vật phẩm ảo trong game sẽ chỉ có một không hai, không thể bị thao túng hoặc làm nhái, từ đó sẽ có giá trị cao trên thị trường.
Trong khi ở các game thông thường, vật phẩm ảo là thứ có thể bị nhân bản vô hạn, dễ dàng bị kiểm soát bởi nhà phát hành/nhà phát triển và mất giá trị nếu game đóng cửa.
Để chơi game Axie Infinity, người chơi mới sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định nhằm thu mua các Axie. Cụ thể, Axie Infinity yêu cầu người chơi phải bỏ ra một khoản chi phí ban đầu nhằm tạo cho mình một đội hình gồm 3 Axie để chiến đấu. Hiện tại, chi phí để có 3 Axie đầu tiên này vào khoảng từ 800-2.000 USD. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể của các game thủ trong tựa game này.
Chính vì chơi game được “tiền”, Axie Infinity đang trở thành một hiện tượng quốc tế khi thu hút hàng trăm nghìn người chơi. Đồng “tiền ảo” AXS (mã token tiện ích của Axie Infinity) cũng rất được nhà đầu tư săn đón trên các sàn giao dịch “tiền ảo”.
Theo Venturebeat, tại Philippines, không ít người trẻ thành thị có nghề cày game NFT như Axie Infinity để kiếm tiền nuôi gia đình và biến đất nước này thành một trong những thị trường lớn nhất của dòng game này và Sky Mavis.
Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những người có nhu cầu chơi game, nhiều người còn mua AXS (mã token tiện ích của Axie Infinity) để kiếm lời theo trào lưu.
Nhờ doanh thu tăng trưởng cực nhanh, giá của đồng AXS cũng tăng chóng mặt, tăng 600% trong vòng 1 tháng; kể từ ngày 7/7 đến 23/7, vốn hóa của đồng AXS tăng từ 0,6 tỷ USD lên 2,44 tỷ USD. Qua đó, Axie Infinity chính thức trở thành dự án “tiền ảo” Việt Nam có tổng vốn hóa lớn nhất từ trước tới nay.
Việc một loại coin có vốn hóa tăng mạnh trong thời gian ngắn không phải là tín hiệu tốt để đầu tư vì nhiều rủi ro. Token của Axie Infinity cũng không là ngoại lệ.
Theo đó, nhiều bài báo cho rằng, Trung Nguyễn đã trở thành tỷ phú công nghệ Việt ở tuổi 29, tuy nhiên theo founder này sự thật không thế.
Anh khẳng định: việc cho rằng mình là tỷ phú USD là không chính xác bởi vốn hóa thị trường của token AXS khác biệt hoàn toàn với vốn hóa của Sky Mavis. Công ty có sở hữu một phần lượng AXS nhưng số token này hiện đang bị khóa.
Đội ngũ phát triển Axie Infinity hiện có tổng cộng 21% tổng nguồn cung token AXS. Trong đó, công ty nắm giữ 17%, 4% token AXS còn lại được sử dụng làm phần thưởng cho đội ngũ phát triển, cũng giống như ESOP trong cổ phần vậy.
Với tổng giá trị vốn hóa 2,4 tỷ USD, lượng token của cả công ty và đội ngũ phát triển nắm giữ hiện chỉ có giá trị khoảng 500 triệu USD. Lượng token AXS này sẽ được mở khóa dần theo thời gian để đảm bảo sự gắn bó của công ty và mọi người đối với dự án.
Còn thật ra thì tôi chỉ có một xíu ngạc nhiên chứ không bất ngờ. Hơi ngạc nhiên một chút vì diễn biến của thị trường tốt hơn kỳ vọng khi giá trị đồng AXS tăng nhanh liên tục trong một thời gian ngắn.”Khi thấy giá trị của công ty lên cao như vậy, tôi khá vui, vì nỗ lực và những cố gắng của team đã nhận được hồi đáp xứng đáng và công ty nhận đực sự quan tâm từ nhiều bên.
Thành quả này không phải sau 1 đêm tự dưng nó đến. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tương ứng trước đó trong một thời gian dài, từ nền tảng công nghệ – hạ tầng cơ sở và cả con người. Chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện cần để sẵn sàng cho điều kiện đủ sẽ xuất hiện trên thị trường.
Chúng tôi đã có sự thúc đẩy để cột mốc 1 triệu USD xảy đến, tất nhiên may mắn ở đây là điều kiện đủ đã đến đúng lúc và tăng trưởng liên tục trong thời gian ngắn”, Trung Nguyễn bày tỏ trong buổi tọa đàm do Đại học FPT vừa tổ chức.
Nhiều game blockchain như Axie Infinity đang thu hút lượng lớn người dùng và trở thành xu hướng của thị trường. Theo đó, tất nhiên, các startup khởi nghiệp trong mảng game blockchain cũng sẽ gặp khó khăn như họ trước đây, nhưng không nhiều bằng – ít nhất là về mặt gọi vốn.
Trung Nguyễn kể, lúc ban đầu khởi nghiệp năm 2018, anh may mắn có một số vốn nhất định, nhưng đến giữa năm 2018, công ty bắt đầu cạn tiền chỉ còn có thể sống thêm vài tháng, trong khi thị trường blockchain chạm đáy nên việc kêu gọi vốn rất khó khăn.
Lúc đầu chỉ đóng cửa làm sản phẩm, thậm chí có lúc còn manh nha ý định chỉ giữ 2 người làm game, không để toàn team tiếp tục làm vì không còn tiền nữa. May mắn là team tiếp tục kiên trì và cuối cùng cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.
Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp Sky Mavis, với Trung Nguyễn chính là thiếu vốn, còn sản phẩm với anh không phải vấn đề gì quá lớn. Nếu cho một nguồn vốn và thời gian vô hạn, thì dù ý tưởng tồi đến mức nào, qua thời gian dài tìm hiểu – chỉnh sửa cũng sẽ thành công.
Tuy vậy, với người dùng Việt Nam, hiện việc giao dịch các loại tiền điện tử tại Việt Nam cũng chưa được pháp luật công nhận. Do đó, việc các nhà đầu tư tham gia giao dịch hoặc nạp tiền vào Axie Infinity để “cày coin” hoặc việc đầu tư nhiều tiền để chơi tựa game này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thêm nữa, một loại coin có vốn hóa tăng mạnh trong thời gian ngắn không phải là tín hiệu tốt để đầu tư vì nhiều nguy cơ, lịch sử đã nhiều lần chứng minh điều đó. Ngay cả AXS của Axie Infinity cũng không là ngoại lệ; các game thủ cần được cân nhắc cẩn trọng trước khi xuống tiền.