Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ tại Chương trình Café Doanh nhân HUBA lần thứ 57 vừa tổ chức sáng 31/7 qua hình thức toạ đàm trực tuyến. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cho DN được tiếp cận dịch vụ tiêm vacccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm cho người lao động…
Điểm qua về tình hình sức khoẻ của DN, ông Ngân nêu con số cả nước có 39.400 DN giải thể, trên 40.000 DN tạm ngưng hoạt động. Riêng TP.HCM có trên 2.800 DN đã giải thể và 11.500 DN ngưng hoạt động. Với số liệu như vậy, ông Ngân nhận định, tình hình dịch bệnh, sức khoẻ của người dân tác động mạnh đến tình hình hoạt động của DN.
Chia nhóm DN ra để cứu
Về ứng phó với dịch, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng thời gian qua chính quyền TP dùng giải pháp là giãn cách, cách ly, phong toả. Đây là những giải pháp bắt buộc nhưng chỉ là tạm thời khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng. “Nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý cho chủ DN và người lao động”, TS. Ngân nhấn mạnh.
Thời gian qua, cùng với số DN đã giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động, những DN đang duy trì sản xuất trong điều kiện an toàn phòng dịch như “3 tại chỗ”, “2 địa điểm – 1 cung đường”… vẫn bị ảnh hưởng tâm lý và nhiều vấn đề khác, dẫn đến hiệu quả năng suất lao động hiện rất thấp.
Cho nên TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng đi liền với giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan là những vấn đề an sinh xã hội, giải cứu DN. Từ đó ông đề nghị HUBA sớm tổng hợp ngay ý kiến các DN vì Chính phủ đang chuẩn bị triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội có liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ DN.
Về các giải pháp hỗ trợ DN, TS. Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm cần chia làm ba nhóm để có các giải pháp phù hộp. Thứ nhất là những DN nào đã đóng cửa. Thứ hai là DN đang tạm ngừng hoạt động và thứ ba là những DN đang hoạt động. Với mỗi nhóm khác nhau, phải có giải pháp khác nhau. Với các DN đang hoạt động thì mục tiêu là phải cứu đến cùng. Bởi theo ông Ngân, các DN này đang chấp nhận hoạt động trong điều kiện chịu lỗ, chấp nhận hy sinh để duy trì hoạt động thì phải có gói giải pháp riêng.
Cho DN tiếp cận dịch vụ tiêm vaccine
Về chiến lược vaccine, theo ông Ngân, chủ trương tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân là chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, thời gian qua cho dù TP đang ưu tiên tiêm cho người lao động để duy trì sản xuất nhưng Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cũng như giải pháp liên quan đến người lao động đã tiêm và người lao động chưa tiêm.
“Khi DN có F0 mà chúng ta đóng cửa ngay thì rất tiếc, vì có những F1 đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có thể tiệp tục làm việc. Do đó, cần có hướng dẫn chung của Bộ Y tế chứ không phải là hướng dẫn của TP”, ông Ngân đề nghị.
“Tôi đề nghị mở rộng mạng lưới tiêm dịch vụ, vẫn là nguồn vaccine của nhà nước nhưng hệ thống tiêm mở rộng ra các BV tư nhân, ví dụ các trung tâm như VNVC tiêm dịch vụ cho DN và DN tự trả tiền. Còn với hệ thống cơ sở y tế phường, xã thì tiêm cho người cao tuổi, tiêm cho người có bệnh nền. Việc phân tuyến tiêm vaccine như vậy để lực lượng còn lại tập thung vào công tác điều trị” – TS. Ngân đề xuất.TS. Ngân cũng lo ngại, giờ đây Chính phủ đã có giải pháp cụ thể bảo vệ sức khoẻ người dân, xác định mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhưng không cứu DN thì rất nguy hại. Do vậy, cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động trong DN.
Loại “vaccine” thứ hai cho DN là các chính sách hỗ trợ. Ưu tiên là miễn, giảm thuế, phí kể cả phí BHXH. Còn vấn đề liên quan đến nợ vay thì Ngân hàng trung ương phải có chính sách cụ thể về giãn, giảm, khoanh lại các khoản nợ trong thời điểm này. Xác định những nguồn tiền nào để lại cho DN có thể tạo ra thanh khoản.
“TP sẽ kiến nghị Chính phủ những giải pháp này. Mong các DN không buông xuôi, hãy cùng đồng hành với TP và lực lượng y tế chống dịch”, TS. Trần Hoàng Ngân nhắn nhủ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn