Bùng nổ kỳ lân

Ban Biên Tập

Làn sóng kỳ lân tiếp theo đang quét qua toàn cầu với sức nóng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Dòng vốn chảy mạnh vào các kỳ lân có 2 lý do chính. Ảnh: getir.com

Vào năm 2013, Aileen Lee, sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Cowboy Ventures, đã dùng thuật ngữ “unicorn” (kỳ lân) để chỉ một “chủng loài” kỳ diệu và hiếm có trong giới kinh doanh: những startup tư nhân được định giá từ 1 tỉ USD trở lên. Nhưng ngày nay, ít nhất từ “hiếm” đã không còn đúng nữa. Bằng chứng là từ chỗ chỉ có hơn 10 startup kỳ lân cách đây 8 năm, con số này hiện đã lên tới hơn 750, với tổng giá trị 2.400 tỉ USD.

Trước sức nóng của các kỳ lân, Andrei Brasoveanu, đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm Accel, thậm chí phải thốt lên: “Đây là thời điểm tuyệt vời để một nhà khởi nghiệp huy động vốn”. Hussein Kanji, đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm Anh Hoxton Ventures thì nhận xét, ai nấy như thể mắc phải hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ).

Sự phấn khích của nhà đầu tư đã vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc cho thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các startup công nghệ đã huy động được xấp xỉ 300 tỉ USD trên toàn cầu, gần bằng cả năm 2020. Số vòng gọi vốn giá trị lớn (trên 100 triệu USD) đã lên tới 751, vượt qua con số 665 của cả năm ngoái, theo CB Insights. Giá trị của các kỳ lân cũng phình to hơn: tất cả ngoại trừ 4 trong số 34 kỳ lân công bố có mức định giá từ 10 tỉ USD trở lên đã được rót vốn mới kể từ đầu năm 2020.

Những kỳ lân mới nhất không còn là các nền tảng công nghệ giúp kết nối dịch vụ với người tiêu dùng, mà thay vào đó là các kỳ lân đang cung cấp hoặc đang phát triển những sản phẩm phức tạp ở các thị trường ngách. Khoảng 25% vốn trong quý II/2021 chảy vào nhóm công ty công nghệ tài chính. Dòng vốn cũng chảy nhiều vào mảng trí tuệ nhân tạo, y tế số và an ninh mạng.

Các kỳ lân nhận được vốn rót cũng mang tính toàn cầu hơn. Có thể thấy, dù các startup Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh dòng vốn nhưng tỉ trọng các startup không phải từ 2 thị trường lớn nhất này đã tăng từ 25% vào năm 2016 lên 40% trong quý vừa qua. Vào tháng 7, Flipkart, một startup thương mại điện tử Ấn Độ, đã huy động 3,6 tỉ USD trong một vòng gọi vốn định giá Công ty lên tới 38 tỉ USD. Grab, một ứng dụng Đông Nam Á, cũng kỳ vọng lên sàn New York trong năm nay với mức định giá 40 tỉ USD. Khu vực châu Âu cũng trở nên sôi động. Các startup tại khu vực này đã huy động gần 50 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, vượt xa con số 38 tỉ USD của cả năm 2020.

Dòng vốn chảy mạnh vào các kỳ lân có 2 lý do chính. Một là làn sóng thoái vốn từ những nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vốn giai đoạn đầu vào các startup. Số tiền thu về lại chảy trở lại vào các quỹ đầu tư mạo hiểm mới vì không muốn bỏ lỡ cơn sốt số hóa giai đoạn hậu COVID-19. Từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm mới này đã gọi được 74 tỉ USD chỉ riêng tại Mỹ, gần bằng con số kỷ lục 81 tỉ USD của cả năm 2020. Từ tháng 4 đến tháng 6.2021, Tiger Global, một quỹ đầu tư của Mỹ, tính trung bình đã thực hiện 1,3 thương vụ mỗi ngày.

Hai là sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nhà đầu tư. Trước đây, sân chơi này được chiếm lĩnh bởi các công ty đầu tư mạo hiểm, nhưng nay thị trường đã xuất hiện những người chơi tương đối mới như các quỹ lương hưu, quỹ đầu tư quốc gia và các công ty quản lý tài sản gia đình. Quý vừa qua, chỉ riêng ở Mỹ, các nhà đầu tư “phi truyền thống” này đã tham gia gần 1.800 thương vụ, huy động tổng cộng 57 tỉ USD. Nhiều công ty bị thu hút bởi thành công của các thương vụ giai đoạn đầu của những người chơi tài tử, không phải là công ty đầu tư mạo hiểm. Lợi nhuận hằng năm của họ từ các khoản đầu tư thoái vốn trong vòng cấp vốn đầu tiên đạt trung bình 30% trong thập niên vừa qua, theo PitchBook. Con số này cao hơn gấp đôi mức sinh lời 10-15% của các quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ cựu.

Nhưng chuỗi chiến thắng này có thể kết thúc trong cay đắng. Bởi đó là điều từng xảy ra cách đây 2 năm, khi những công ty được định giá cao có mô hình kinh doanh thiếu bền vững đều chứng kiến mức định giá lao dốc không phanh như trường hợp của Uber, Lyft, hay WeWork. Nhiều kỳ lân niêm yết gần đây vẫn tiếp tục “chảy máu”. Theo tính toán của The Economist, những startup lên sàn trong năm 2021 đã lỗ tổng cộng 25 tỉ USD trong năm tài chính mới nhất.

Việc đánh giá liệu những kỳ lân còn lại có xứng đáng với mức định giá cao chót vót hay không có lẽ chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Giống như những startup trước đây, các startup này không tiết lộ số liệu tài chính. Dùng phương pháp suy luận từ các kỳ lân trước đó cũng không có ích gì vì các startup này theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá tại những thị trường “kẻ thắng có được tất cả”, trong khi nhiều startup ngày nay lại theo đuổi mức biên lợi nhuận cao bằng cách bán các công nghệ độc đáo.

Đây có thể là một chiến lược bền vững hơn nếu công nghệ đó thực sự tốt. Nhưng sẽ càng khó đánh giá hơn đối với những nhà đầu tư không phải là chuyên gia, đặc biệt khi đó là một công nghệ hoàn toàn mới, khó kiểm chứng. Nikola và Lordstown – 2 startup xe điện niêm yết vào năm 2020 thông qua sáp nhập ngược – đang bị điều tra bởi giới chức trách Mỹ vì bị cáo buộc đã thổi phồng tính khả thi về công nghệ của họ.

Khẩu vị gia tăng của các nhà đầu tư đã dẫn đến sự ra đời của 166 kỳ lân mới trong những tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 13.5.2021) so với con số 163 của cả năm 2020. Ảnh: globescan.com

Một rủi ro khác đến từ phía chính trị. Giới chức trách trên khắp thế giới ngày càng e ngại đối với việc cho phép các công ty công nghệ trở nên quá lớn hoặc bước chân vào các thị trường thuộc diện quản lý của nhà nước như tài chính hay y tế. Chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn, gần đây đã loại ứng dụng Didi khỏi các kho ứng dụng của nước này sau đợt IPO 68 tỉ USD của Didi trên sàn New York, với lý do lạm dụng dữ liệu của người dùng.

Động thái này đã làm rét lạnh lòng giới đầu tư, dẫn đến vốn rót vào các startup Trung Quốc giảm mạnh trong 2 quý vừa qua. Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán nước này cũng đang săm soi việc sử dụng tiền mã hóa, khiến nhà đầu tư thấp thỏm. Kết quả là vốn hóa thị trường của Coinbase, một trong những sàn giao dịch mã hóa lớn nhất, đã giảm tới phân nửa kể từ mức đỉnh sau đợt niêm yết vào tháng 4.

Dù còn nhiều nghi ngờ nhưng sức nóng của thị trường vẫn chưa hề hạ nhiệt. Theo một phân tích mới đây của Crunchbase, khẩu vị gia tăng của các nhà đầu tư đã dẫn đến sự ra đời của 166 kỳ lân mới trong những tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 13.5.2021) so với con số 163 của cả năm 2020.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments