14 phát ngôn ấn tượng nhất về khởi nghiệp của các danh nhân Việt Nam

Ban Biên Tập

Những năm trở lại đây là thời điểm bùng nổ của khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam khi nhiều dự án đã gọi được hàng triệu USD vốn đầu tư, nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng và chính phủ.

Sau đây là những phát ngôn ấn tượng, truyền cảm hứng nhất về khởi nghiệp sáng tạo đến từ các doanh nhân, chính khách nổi tiếng của Việt Nam:

1. Nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tháng 10/2016, trong bài phát biểu tại Lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 – 2021 và Ngày hội Thanh niên Khởi nghiệp,Thủ tướng nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này”.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm đầu tư ra nước ngoài của Viettel, Thủ tướng cũng giao trọng trách cho tập đoàn có lợi nhuận cao nhất Việt Nam: “Viettel phải thực hiện tốt vai trò là trung tâm thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp, trước hết về viễn thông và công nghệ thông tin”.

2. Nguyên Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng

Thông thường, khởi nghiệp gắn liền với các công ty tư nhân và người trẻ tuổi nhưng Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng lại kể một câu chuyện của một công ty Nhà nước 100% và với những người không còn trẻ tuổi. Theo đó, Viettel khởi nghiệp kinh doanh viễn thông khi “trong tay hầu như không có gì. Nhân sự có khoảng chưa đến 100 người, tổng tài sản (vốn) cỡ khoảng 2 tỷ đồng, vốn đó không phải tiền mà được vật chất hoá qua mấy cái ôtô cũ, cái nhà hai tầng”.

CEO Viettel khẳng định: “Không có gì là sức mạnh vô cùng lớn của người khởi nghiệp”, bởi “Khi không có gì để mất, bạn có mọi thứ để thắng”. Chưa hết, khi khởi nghiệp đầu tư viễn thông ra nước ngoài, Viettel vẫn là một công ty nhỏ ở Việt Nam và hoàn toàn vô danh với thế giới.

Ông Hùng và các đồng nghiệp vẫn kiên định với chiến lược của mình bởi: “Chúng tôi tin rằng theo đuổi ước mơ của mình và hiện thực nó là việc mà bất kỳ ai trong đời cũng nên thử cố gắng. Và rồi chúng tôi cũng rất nhiều lần chứng minh là mình có thể làm được” dù trước đó “đã nhiều lần, rất nhiều người bảo với chúng tôi rằng, Viettel không thể làm được việc này”.

3. Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng

Tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam đã từng phá sản vài lần khi khởi nghiệp nhưng đến khi trở thành ông chủ của “đế chế” Vingroup có vốn hóa 5 tỷ USD trên sàn chứng khoán, Phạm Nhật Vượng vẫn muốn mình và mọi nhân viên giữ được tinh thần của những ngày đầu tiên. Người được Forbes đặt biệt danh “Donald Trump của Việt Nam” cho biết, ông đã đổi slogan của tập đoàn từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” để “mọi người giữ mãi cái ngọn lửa ấy, ý chí ấy, tinh thần làm việc đấy”.

Lý do là ông Vượng thấy công ty của mình còn “quá nhỏ bé so với các công ty khác trên thế giới, còn quá nhiều việc phải làm và chưa có gì để khoe khoang” nên phải “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Chủ tịch Vingroup cho rằng, tập đoàn này đã phát triển nhưng chưa đạt mức thịnh mà có rất nhiều đỉnh cao khác cần phải đạt tới. “Nếu Vingroup có khoảng 100 tỷ USD thì mới cần tính tới việc kìm hãm sự phát triển của tập đoàn lại”, ông Vượng chia sẻ khi được hỏi về việc có nên kìm hãm cái Thịnh để tránh Suy.

4. Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Chủ tịch HĐQT FLC Group Trịnh Văn Quyết – người đã vượt qua tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 cho rằng: “Khởi nghiệp cần cẩn trọng, nhưng đừng thận trọng quá, vì nếu cứ ngồi tính toán rủi ro, bạn sẽ không làm gì được cả”.

Doanh nhân nổi tiếng với việc “làm những điều không thể” ở khu nghỉ dưỡng 5 sao FLC Sầm Sơn và FLC Quy Nhơn khuyên các bạn trẻ tham khảo ý kiến của những người từng khởi nghiệp để lấy sự khích lệ và kinh nghiệm nhưng “đừng làm hoành tráng ngay từ đầu”. Ông Quyết có một nhận xét khá thú vị về startup: “Thông thường, những người cản trở bạn khởi nghiệp lại là gia đình, nhưng dù sao bạn vẫn nên có sự ủng hộ của người thân”.

Chủ tịch FLC Group khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp nếu thực sự đam mê và có phương án khả thi vì “nếu có thất bại về kinh doanh, bạn vẫn thu được kinh nghiệm”. Ông cho rằng, khởi nghiệp ở độ tuổi nào cũng được bởi quan trọng là ý tưởng, nhiệt huyết: “15 tuổi có cách khởi nghiệp của tuổi 15, người 80 tuổi lại có cách đi khác”. 

5. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Thành lập FPT năm 1988 cùng 12 anh em khác, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT (công ty hiện có doanh thu 2 tỷ USD/năm) thấy mình “có trách nhiệm phải trả lại” và hỗ trợ các startup là một trong số đó. Người đứng đầu FPT chia sẻ: “Làm start up là phải mạo hiểm, đôi khi bất cần. Ví dụ như Vật Giá làm 3 năm ăn mỳ gói không một đồng lương, không sao cả. Hay như Steve Jobs cũng vậy. Ông bỏ con, bỏ người tình của mình và chỉ tập trung vào làm điện thoại”.

Bổ sung thêm những đặc biệt của startup, ông Bình nói đến “sống khác biệt, nhìn thế giới theo một cách khác, không suy nghĩ chín chắn nhưng lại thiên về hành động”. Từng xây dựng FPT từ những ngày đầu tiên nhưng ông Bình lại tự nhận mình không đủ “điên” để làm việc bất chấp hậu quả. Dù vậy, ông chia sẻ là có thể hiểu được ý tưởng khởi nghiệp và giúp các start up thành công. Điều quan trọng, ông cho rằng chính “sự kiên trì, bền bỉ, lao vào làm không ngại mệt mỏi là yếu tố mang lại thành công cho các start up”. 

6. Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài

Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài chia sẻ, khởi nghiệp ở tuổi 35 vì sớm quá là lúc đang yên ổn: lương cao, có xe đưa xe đón. Trong khi đó, con người ta rất khó thay đổi khi mà mọi thứ đang quá yên ổn để chấp nhận mạo hiểm. Chủ tịch Thế giới Di động cho rằng, nếu mọi thứ yên ổn thì có lẽ ông Tài giờ vẫn làm thuê cho một tập đoàn nước ngoài nào đó. “30 tuổi người ta đã cấp xe hơi cho mình đi. 40 tuổi chắc người ta cấp máy bay cho mình đi. Cho đến lúc, vị trí của mình không còn phù hợp”, ông Tài nói.

Người đứng đầu công ty nổi tiếng với khoản thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng nói : “Tôi cho rằng khởi nghiệp cũng đừng nên ở độ tuổi đừng quá trẻ, đừng quá già. Quá trẻ, thất bại thì nản chí. Quá già thì rủi ro lớn lắm, không có cơ hội làm lại. Trẻ thì thất bại có thể làm lại được”.

Nhận xét về việc trẻ tuổi nhưng vẫn muốn khởi nghiệp ông Tài cho rằng: “Trẻ cũng được nhưng nên tìm thêm cộng sự để bù lấp phần bản thân thiếu hụt. Trẻ hăng hái nhưng rất dễ bộc phát và chủ quan, mà đôi khi chủ quan không tốt cho khởi nghiệp”.

  1. 7. Chủ tịch THACO Trần Bá Dương

Ông Trần Bá Dương là người sáng lập, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải. Người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam cho rằng: “Khởi nghiệp không nên bó gọn ở khái niệm bắt đầu nghiệp kinh doanh, mà cần hiểu rộng ra và hàm chứa sự khuyến khích.

Hơn nữa, khái niệm khởi nghiệp không chỉ khuyến khích các bạn trẻ mới kinh doanh, mà nên mở rộng khái niệm để khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn. Tinh thần khởi nghiệp hãy nghĩ nó thật sự trọn vẹn, bao quát hơn để không chỉ khích lệ những bạn trẻ mới tìm cách lập thân, lập nghiệp; mà còn cả các doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển mở rộng quy mô. Các doanh nghiệp đã thành công ở một số lĩnh vực sẽ tiếp tục thành công với các ngành nghề mới”.

Theo đó, một doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng ngành nghề mới cũng nên được gọi là khởi nghiệp. Hay một cá nhân trong doanh nghiệp, bắt đầu lãnh đạo công ty trên một cương vị mới cũng được coi là người khởi nghiệp.

8.CEO SeeSpace Đỗ Hoài Nam

Đỗ Hoài Nam là người đồng sáng lập và ông chủ của SeeSpace. Sau hai lần khởi nghiệp thành công tại Australia và Mỹ chia sẻ, người trẻ cần xác định rõ “Tinh thần khởi nghiệp” cho chính mình. Tại Mỹ, mọi bạn trẻ khởi nghiệp tất nhiên đều nung nấu ước mơ làm giàu nhưng vượt lên trên tất cả là lý tưởng mong muốn được khẳng định “Tôi là số 1”, “Tôi sẽ làm tốt hơn tất cả”. Trong khi đó nhiều bạn trẻ trong nước chỉ quan tâm vào việc “Tôi kiếm được bao nhiêu tiền?”.

Doanh nhân này trích dẫn một phát ngôn nổi tiếng của Guy Kawasaki, một nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới: “Nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, thì đừng có làm doanh nghiệp khởi nghiệp. Không phải tiền không quan trọng mà nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, sẽ có những khó khăn bạn không thể vượt qua được, bởi có những lúc bạn sẽ chẳng có gì trên người”.

Ngoài ra, trách nhiệm xã hội cũng là một yếu tố quan trọng. Anh chia sẻ trong một lần trò chuyện: “Mình chỉ khởi nghiệp khi muốn thay đổi bất cập trong xã hội, có lý do tin rằng giúp cho xã hội tốt hơn. Niềm tin sắt đá vào việc thay đổi xã hội sẽ cho bạn động lực start up”.

9. CEO MOG Trần Anh Dũng

Với 4 lần khởi nghiệp và 3 lần thất bại, CEO&Founder MOG cho rằng với mỗi startup, việc nỗ lực mỗi ngày của những người tham gia mới là yếu tố đảm bảo thành công của dự án và ý tưởng chỉ đóng góp khoảng 1% cho thành công. Trần Anh Dũng chia sẻ, 3 lần thất bại đã giúp anh trải nghiệp quan trọng giúp anh trưởng thành khi khởi nghiệp lại và xây dựng nền móng cho MOG cũng như điều hành công ty sau này.

CEO MOG khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp với đam mê chứ không nên theo sở thích tức thời bởi đến một thời điểm nào đó sẽ rất khó khăn, chỉ có đam mê mới giữ họ tiếp tục. Bên cạnh đó,với một startup, nếu phát triển được thì đến một giai đoạn nào đó mô hình cũ sẽ trở nên chật chội, không bao quát được toàn bộ hoạt động mở rộng sau này. Nếu không tái cơ cấu thì doanh nghiệp dễ chết vì đông quá và không có tính tổ chức. Thông thường trải qua khoảng 3-5 năm thì một startup sẽ phải làm điều này.

10. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP PhinDel Phạm Đình Nguyên

Theo Ông Phạm Đình Nguyên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP PhinDeli – điều đầu tiên cần có để khởi nghiệp không phải là tiền hay ý tưởng, mà là mình biết mình là ai, khả năng đến đâu… Một người khởi nghiệp cần ít nhất 10 nghìn giờ trải nghiệm với lĩnh vực muốn startup để biết có đam mê thực sự hay không trước khi bắt đầu. 

“Cần phải có 10 ngàn giờ trải nghiệm mới nghĩ tới cơ hội thành công”.

11. Chủ tịch IDJ Group Trần Trọng Hiếu

“Làm công nhân còn phải học nữa là doanh nhân khởi nghiệp” – Ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch IDJ Group, Chủ tịch Học viện Sáng tạo và Khởi nghiệp IDJ, nhận đinh trong một bài phỏng vấn về tầm quan trọng của việc liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức của những người trẻ làm khởi nghiệp sáng tạo.

12. Sáng lập/CEO Vật Giá Nguyễn Ngọc Điệp

“Cứ khát khao, nhưng chớ dại khờ” – Nguyễn Ngọc Điệp – Sáng lập/CEO của trang thương mại điện tử Vật Giá – chia sẻ tỷ lệ các công ty khởi nghiệp thất bại sau 2 năm đầu tiên lên tới hơn 80%. Trong số trụ được, chỉ dưới 5% thực sự bứt phá, phần còn lại thì chỉ đủ sống qua ngày. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp, ai cũng nghĩ mình thuộc về 5% tỏa sáng.

13. CEO Toong Coworking Space Đỗ Sơn Dương

“Hãy giúp cho startup có một tầm nhìn rộng mở, không chỉ ở Việt Nam mà còn ra thế giới” – CEO Toong Coworking Space Đỗ Sơn Dương chia sẻ trong một bài phỏng vấn về điều mà các startups đang cần để vươn xa.

14. CEO Trung Thủy Group Nguyễn Trung Tín

“Cố gắng hơn 1% mỗi ngày, thì chỉ sau 1 năm, dự án của mình đã tốt hơn 365 lần.” – Theo ông Nguyễn Trung Tín, CEO Trung Thủy Group, các tập đoàn lớn có sức mạnh thật nhưng lại thiếu sự uyển chuyển. Sự chậm chạp là một bất lợi của họ. Những người khởi nghiệp thì lại thừa sự uyển chuyển, nếu biết chuyển bất lợi thành lợi thế thì sẽ có khả năng thành công. 

Theo Tạp chí Doanh Nhân

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments