Doanh nhân Nguyễn Đình Khánh, Giám đốc điều hành WolfFun: Chọn đường dài thì không ngại khổ
Quyết tâm xuất khẩu sản phẩm game do Việt Nam sản xuất của Nguyễn Đình Khánh bước đầu có kết quả khi các game di động do WolfFun sản xuất được xướng tên trong các sự kiện ở khu vực.
Đem chuông đi đánh xứ người
Năm 2019 là dấu mốc Nguyễn Đình Khánh, Sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành WolfFun không thể quên. Tại chung kết Kuala Lumpur Level Up – sự kiện lớn trong ngành sản xuất game (di động, PC) do Malaysia tổ chức hằng năm, tựa game Heroes Strkie của WolfFun được xướng danh.
Đây không phải lần đầu tiên WolfFun xuất hiện ở một sự kiện lớn trong ngành game. Trước đó một năm, studio game này được Google vinh danh tại G-Star Busan với các thành tích nổi trội, trong đó có việc đạt mốc 10 triệu người chơi không quảng cáo sau 6 tháng ra mắt tựa game Tank Raid.
Nhưng với Khánh và WolfFun, sự có mặt tại Kuala Lumpur Level Up là một bước kết nối thực sự với ngành công nghiệp game. Đó là sự kiện game lớn nhất khu vực, hội tụ các công ty lớn trong ngành, các nhà đầu tư, các studio game toàn cầu. Được có mặt, vinh danh ở đó có nghĩa Khánh và đội ngũ của mình đã ghi tên vào dòng chảy không ngừng của ngành, trong vai trò nhà sản xuất, xuất khẩu game Việt Nam.
Kể về dấu ấn đặc biệt đó, Khánh nói, có nhiều lý do WolfFun được vinh danh. Một trong số đó là độ khó của các game mà đơn vị này sản xuất và xuất khẩu. Cả Tank Raid hay Heroes Strike đều thuộc thể loại Battle Royale và MOBA – dòng game trực tuyến nhiều người chơi cùng lúc. Nhưng điểm nhấn chính mà Sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành WolfFun muốn chia sẻ đó là sự khác biệt với các tựa game di động theo thể loại đơn giản, kiếm tiền chủ yếu từ quảng cáo. “Battle Royale và MOBA có doanh thu từ việc mua vật phẩm trong game (In-app Purchase – IAP)”, Khánh nói.
Có lẽ thách thức lớn nhất với các nhà sản xuất game chính là ở điểm này. Hiện chỉ khoảng 15% trong số 200 studio làm game ở Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào mô hình IAP. Thứ nhất, chi phí đầu tư quá lớn. Thứ hai, việc vận hành game (khâu tốn chi phí nhiều thứ hai) cũng là rào cản để các studio đặt chân vào IAP. Để có doanh thu, các studio phải liên tiếp đưa ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ người chơi khó tính, đồng thời liên tục làm mới nội dung và xây dựng cộng đồng.
Đó là chưa kể, Việt Nam không có nhiều lợi thế so với các đối thủ trong khu vực khi ngành game chưa được chú trọng phát triển, nên nhân lực cho các khâu quan trọng như thiết kế game, âm nhạc, đồ hoạ… đều thiếu trầm trọng. Cực như vậy, nhưng game trước thành công cũng không có gì chắc chắn là game sau tiếp tục hái ra tiền.
Vì vậy, sản xuất game được xếp vào hàng rủi ro và rất ít nhà đầu tư mặn mà. Nhiều doanh nghiệp lớn như VNG, Soha, Appota, VTC… cũng chỉ chọn bước một nửa vào mảng IAP bằng cách mua nhượng quyền game để giảm chi phí, giảm rủi ro đầu tư ban đầu cho phần thiết kế và dồn lực vào mảng vận hành.
Chính vì thế, nhiều người cho rằng, việc WolfFun chọn con đường từ đầu tư phát triển đến xuất khẩu các dòng game IAP trong nhiều năm qua có thể nói là liều lĩnh.
Tuy nhiên, Khánh lại nghĩ khác. “Doanh thu từ quảng cáo rất bấp bênh, vì game kiếm tiền từ hình thức này không khó, dẫn đến cạnh tranh rất cao. Trong khi đó, các game IAP tuy khó, nhưng nguồn thu ổn định hơn”, Khánh nói.
Hơn thế, nếu so với những lần khởi nghiệp trước, có lẽ lựa chọn này lại ít liều lĩnh hơn cả.
Tiếp tục đầu tư cho cuộc đua đường dài
Nguyễn Đình Khánh từng là một kỹ sư với tập khách hàng phần lớn là người Nhật Bản. Hồi đó, cứ mỗi lần đi công tác, nhìn nước họ phát triển vượt bậc, Khánh đã nung nấu tinh thần khởi nghiệp. Việt Nam có nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, nhưng các sản phẩm tạo ra còn hạn chế và chưa được phổ biến trên thị trường quốc tế. Do đó, Khánh quyết định lập nghiệp để tạo ra các sản phẩm có dấu ấn của các kỹ sư Việt.
“Động lực chính của tôi là muốn đóng góp chút ít cho nền công nghệ thông tin nước nhà, cải thiện đời sống cho các cộng sự của mình”, Khánh nói và cho biết, lúc đó, Khánh làm việc hết công suất, từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối ở công ty Nhật, thời gian còn lại dành cho công ty riêng.
Năm 2010, Nguyễn Đình Khánh bắt đầu đi vào con đường khởi nghiệp riêng, với công ty tên Bika Solutions – chuyên về outsourcing. Bika Solutions đóng cửa chỉ sau một năm. Lần khởi nghiệp thứ hai ngay sau đó là với Sstore.vn, trang chuyên về thương mại điện tử giống Tiki, chỉ khác là chỉ tồn tại được… một năm. Công ty start-up thứ ba của Khánh sống lâu hơn, với 2 năm tồn tại. WolfFun Game là công ty khởi nghiệp thứ tư của Khánh.
“Thành công của WolfFun được đúc rút từ kinh nghiệm của 3 lần thất bại trước”, Khánh chia sẻ về sự kiên định của người khởi nghiệp không sợ khổ, muốn có sự nghiệp riêng.
Bài học đầu tiên là không những hiểu rất rõ các rào cản dành cho doanh nghiệp Việt, mà còn thấy được sự phát triển rất nhanh của các quốc gia Đông Nam Á muốn vươn lên tạo thành một thế lực mới trong khu vực. Vì thế, dù biết sản xuất game IAP rất khó, nhưng Khánh vẫn kiên định con đường này.
Để giải quyết bài toán dòng tiền, Khánh đặt WolfFun vào chiến lược lấy ngắn nuôi dài, vừa phát triển các dòng game đơn giản để có nguồn thu ngắn hạn từ quảng cáo, vừa đầu tư vào các game theo mô hình IAP để nâng cao tay nghề. Quy tắc 60-30-10 (60% nguồn lực cho các dự án ra tiền, 30% cho các dự án tiềm năng và 10% cho các dự án nghiên cứu phát triển) được Khánh sử dụng thuần thục nhiều năm qua.
Đặc biệt, việc tìm hiểu động thái của các doanh nghiệp lớn trong ngành, xem họ làm thể loại nào để điều chỉnh sản phẩm phù hợp là bài học kinh nghiệm chưa bao giờ sai.
“Chúng tôi vào cuộc đua đường dài, không thể cạnh tranh bằng mọi giá khi nguồn lực công ty còn giới hạn, thay vào đó là cách đi phù hợp”, Khánh chia sẻ.
Ví dụ, phiên bản ban đầu của Heroes Strike là 6 người chơi cùng lúc, nhưng khi nhận thấy Brawl Star (Supercell) cũng làm game có mô-típ tương tự, WolfFun nhanh chóng được chuyển thành game 8 người chơi cùng lúc.
Quan trọng nhất trong lĩnh vực sản xuất game là tạo ra một bộ framework (bộ khung, nói cách khác là công thức sản xuất). Bằng cách này, WolfFun có thể sản xuất các game tương tự Heroes Strike hay Tank Raid với thời gian chỉ bằng 1/6 so với trước kia, giúp đa dạng danh mục sản phẩm hơn.
Thời điểm này, sự phát triển của blockchain đã kéo các nhà đầu tư đến gần với các công ty sản xuất game. Khánh và đội ngũ đang nhìn thấy nhiều cơ hội hơn từ xu thế mới và không muốn đứng ngoài.
Theo ước tính của website blockchaingamer.biz, tổng số tiền đầu tư vào các game dựa trên nền tảng blockchain hiện đã lên đến 843 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trang Venturebeat.com cho biết, không chỉ các công ty game non trẻ, mà ngay cả các công ty lâu đời của Nhật Bản, như Taito hay Atari cũng công bố theo đuổi xu hướng này.
Axie Infinity của Việt Sky Mavis là đơn vị phát triển game dựa trên blockchain đã gọi vốn được 7,5 triệu USD. Trước đó, My DeFi Pet của một studio game Việt khác là Topebox cũng gọi được hơn 1 triệu USD từ các nhà đầu tư.
WolfFun đã khởi động nhiều dự án game blockchain xuất khẩu và bước đầu được các nhà đầu tư đánh giá tốt. “Chúng tôi sẽ sớm đưa các sản phẩm này ra thị trường”, Nguyễn Đình Khánh tự tin.
Theo Báo Đầu tư Online