GS Trần Ngọc Thơ: Cần một đặc khu kinh tế thế hệ mới cho giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
GS Trần Ngọc Thơ cho rằng cần thiết nghĩ đến và đặt vấn đề đặc khu kinh tế thế hệ mới cho TP.HCM phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Ông nhấn mạnh đặc khu kinh tế thế hệ mới không phải là cách hiểu của 2-3 năm trước, mà bây giờ phải là khu kinh tế tự do kỹ thuật số.
Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế được nhắc đến liên tục gần đây với quyết tâm cao của chính quyền TP.HCM. GS.TS Trần Ngọc Thơ – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã đến lúc cần thực hiện ngay, kẻo quá trễ thì sẽ càng tụt hậu.
Trung tâm tài chính quốc tế: Bây giờ hoặc không bao giờ
GS.TS Trần Ngọc Thơ cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, được thế giới đánh giá có tiềm năng trở thành trụ cột công nghệ của khu vực với một số tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ như VNG, VNPay, FastGo, Abivin, Logivan… Làn sóng các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang tràn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, những bất cập trong các quy định nghiêm ngặt về tài chính, chứng khoán khiến các làn sóng đổi mới công nghệ và các nguồn đầu tư mạo hiểm tài trợ cho chúng gặp nhiều hạn chế nếu không có những “khu đặc biệt” dung nạp.
Ông Thơ cho rằng diện mạo trung tâm tài chính quốc tế tương lai của TP.HCM và của Việt Nam không thể nào khác ngoài việc hướng vào lĩnh vực fintech. Về khía cạnh ứng dụng fintech (theo chỉ số xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu), New York đứng đầu nhưng xếp theo sau lại là Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến rồi mới đến London.
Đặc biệt, Covid-19 đã định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với những thay đổi địa chính trị đã làm cho trung tâm tài chính quốc tế Dubai bị rung lắc, tương lai của trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong bị đặt dấu hỏi; Brexit cũng đặt ra câu hỏi về trung tâm tài chính quốc tế London.
Theo chuyên gia, tranh thủ hình thành trung tâm tài chính quốc tế đẳng cấp hàng đầu vào lúc này là mục tiêu đáng để Việt Nam theo đuổi. Tham vọng này được đánh giá không xa vời vì trong số 10 trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, châu Á đã chiếm đến 6.
“Với thiên thời, địa lợi, nhân hoà, TP.HCM hội đủ nhiều điều kiện lập ra một khu tài chính đặc biệt. Vừa rồi, Nhật vừa tuyển dụng 500 chuyên gia máy tính toàn cầu để số hóa kinh tế Nhật, từ đó sẽ tăng năng suất, đổi mới. Chính phủ Nhật nói bây giờ hoặc không bao giờ nếu không có chính sách này. Tôi cũng mượn lại ý này: Bây giờ hoặc không bao giờ để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, càng đi chậm càng tụt hậu”, GS.TS Trần Ngọc Thơ nhấn mạnh.
Cần một đặc khu kinh tế thế hệ mới cho trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
GS Trần Ngọc Thơ nêu quan điểm trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM phải tập hợp những ngân hàng, tay chơi lớn trong và ngoài nước, nhà đầu tư, công ty chứng khoán, tài năng kiệt xuất và hàng loạt các công ty đa quốc gia.
“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thiết nghĩ đến và đặt vấn đề đặc khu kinh tế, đặc khu kinh tế ở đây không phải là cách hiểu 2-3 năm trước là thâm dụng đất, biệt lập với đất liền mà bây giờ phải là khu kinh tế tự do kỹ thuật số. Tại đó, thiết lập quy tắc, pháp lý chuẩn mực quốc tế về các dịch vụ đẳng cấp, về mức độ tự do chu chuyển vốn”, GS Thơ nói.
“Tất nhiên ở mức độ nào thì tùy giai đoạn nhưng tinh thần phải tự do chuyển đổi. Tất cả thể chế phải thay đổi nhanh kịp cách mạng 4.0, kinh tế số. Chỉ như vậy, may ra mới có thể tăng tốc trước những thay đổi quá nhanh của thế giới hiện nay”, ông nói thêm.
Giải thích rõ hơn, GS TS Trần Ngọc Thơ cho biết 2-3 năm trước đây, nói đến đặc khu kinh tế hầu như chỉ nghĩ đến đất đai dẫn đến tâm lý e dè. Tuy nhiên, đặc khu kinh tế thế hệ mới phải tập trung vào những lĩnh vực tinh hoa như tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, tái tạo môi trường, y tế cao ở chuẩn mực cao nhất. Nếu hiểu thế này sẽ không còn e dè như trước đây.
Nói về thành công của mô hình này trên thế giới, ông dẫn chứng khu kinh tế kỹ thuật số của Malaysia kết hợp với một đối tác nước ngoài hình thành vài năm nay đã làm cho tăng trưởng GDP Malaysia tăng đáng kể. Đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp trong nước.
Hay thành công hơn nữa là trung tâm tài chính Gujarat của Ấn Độ, khi thành lập, họ đặt tầm nhìn 5 năm phải ngang bằng trung tâm tài chính London, Singapore. 5 năm sau (tháng 3/2021) trong chỉ số xếp hạng trung tâm tài chính quốc tế, ở chỉ tiêu về tài chính, Gujarat đã vượt lên xếp thứ 10 toàn cầu trên cả Singapore, Frankfurt và loạt trung tâm khác.
“Chúng ta dường như e ngại đổi mới, quy định chuẩn mức quốc tế, tập hợp tài năng bằng quy định thông thoáng nhất. Tôi cho rằng với trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, chúng ta cần dám nghĩ lớn, làm lớn và làm những điều táo bạo. Cần hành động, hành động và hành động”, GS. TS Trần Ngọc Thơ nhấn mạnh.
Theo Dân Việt