Đã đến lúc Việt Nam nên nhìn nhận game di động cũng là một mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Có thể nói trong giai đoạn dịch bệnh, game di động là ngành hưởng lợi nhiều nhất. Báo cáo Thị trường Game toàn cầu năm 2020 của NewZoo cho thấy doanh thu năm vừa qua của ngành game đạt 159,4 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó di động đóng góp đến phân nửa doanh thu với hơn 77 tỉ USD.
Thừa lượng, thiếu chất
Đáng chú ý, doanh thu game trên smartphone tăng trưởng 15,8% theo năm. Châu Á là thị trường game lớn nhất, chiếm gần nửa tổng doanh thu tính theo khu vực và thuộc nhóm có tốc tăng trưởng nhanh bên cạnh châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.
Các công ty game di động Việt Nam cũng góp mặt ở các vị trí quan trọng trong lĩnh vực này. Nổi bật là công ty phát hành game âm nhạc Amanotes. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường App Annie, đã có hơn 1 tỉ người tải về ứng dụng, là nhà phát hành lớn nhất thị trường ANZSEA (Úc, New Zealand và Đông Nam Á).
Không chỉ Amanotes, theo bảng xếp hạng của App Annie gần đây, trong top 10 nhà phát hành game di động lớn nhất ANZSEA, có tới 5 đơn vị đến từ Việt Nam. Năm ngoái, đơn vị này cũng có thống kê khẳng định đóng góp của công ty Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được tải nhiều nhất, trung bình cứ mỗi 25 game di động tải về trên toàn cầu sẽ có 1 game đến từ Việt Nam.
Ngành game Việt Nam đã thực sự trưởng thành kể từ cú hích game Flappy Bird của lập trình viên Nguyễn Hà Đông từ năm 2015. Không còn xuất phát từ cá nhân và thành công dựa trên may mắn, nhiều công ty đã đầu tư bài bản và đạt được các vị trí cao trong ngành xuất khẩu game toàn cầu.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đình Khánh, sáng lập kiêm Giám đốc WolfFun, ngành xuất khẩu game Việt Nam đang thừa lượng, thiếu chất. “Ngắn hạn thì chúng ta thắng, dài hạn thì chưa biết được”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, các công ty game Việt Nam hiện đang gia nhập vào phân khúc game casual (game phổ thông, game dễ chơi) vì chi phí sản xuất thấp. Dòng game này sống chủ yếu nhờ quảng cáo là chính. Bên cạnh đó, bởi vì dễ sản xuất nên việc cạnh tranh càng cao dẫn đến doanh thu quảng cáo bấp bênh.
Nguồn thu bền vững trong game là in-app purchase (mua vật phẩm trong game), nhưng thể loại game này đòi hỏi phải đầu tư khá nhiều vào công đoạn sản xuất như kịch bản game, đồ họa, âm thanh… “Do phần lớn các công ty game Việt Nam là khởi nghiệp, chú trọng dòng tiền nên rất hiếm đơn vị mạo hiểm đầu tư các game có chất lượng”, ông Khánh nhận định.
Một rào cản lớn khác, theo ông Khánh, là nhân sự. Việt Nam chỉ mới gia nhập thị trường game được 10 năm trong khi các công ty toàn cầu có kinh nghiệm ít nhất là gấp đôi nên chất lượng game tốt hơn. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), ngành game Việt Nam vẫn chưa được xã hội quan tâm, nếu không muốn nói là đang chịu nhiều định kiến nên khó thu hút nhân lực. “Dù rằng đây là ngành duy nhất xuất khẩu được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới”, ông Đồng cho biết.
Tìm đường gỡ
Việt Nam cần các chính sách đột phá hỗ trợ ngành công nghiệp xuất khẩu game di động, trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực đã xem đây là ngành công nghiệp mũi nhọn và đầu tư bài bản từ nhiều năm trước.
Malaysia là ví dụ điển hình khi chính phủ nước này đã đầu tư từ năm 2014 và hiện công nghiệp game là ngành phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế kỹ thuật số ở quốc gia này. Theo báo cáo Công nghiệp hằng năm của Malaysia, năm ngoái, ngành công nghiệp game đã tạo ra doanh thu hơn 1,7 tỉ USD (trong đó có 290 triệu USD xuất khẩu), CAGR đạt 1,6% từ năm 2014-2018.
Để đạt được thành quả này, MDEC, đơn vị trực thuộc Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia, đã có rất nhiều chương trình kết nối nguồn nhân lực, các công ty địa phương và ngành công nghiệp game toàn cầu. Như Level Up Inc là trung tâm phát triển và ươm tạo nội dung, Level Up KL là hội nghị kết nối các nhà phát hành game lớn trên thế giới, một cách để giúp các công ty địa phương hiểu rõ hơn ngành công nghiệp game toàn cầu. Bên cạnh đó, còn có quỹ Digital Content Grant của Chính phủ để hỗ trợ các công ty địa phương trong ngành game phát triển, sản xuất và tiếp thị.
Cho đến nay, tại Việt Nam, chính sách phát triển game vẫn tập trung vào việc giảm thủ tục hành chính trong việc cấp phép game, cấm mua bán vật phẩm ảo và khuyến khích phát triển game giáo dục cho thị trường trong nước. Nhìn chung, chưa có chính sách cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu game hay thay đổi định kiến của xã hội về ngành công nghiệp này.
Trao đổi với NCĐT qua email, bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Google châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Lào, Campuchia và Việt Nam, cho biết để hỗ trợ hệ sinh thái game ở Việt Nam, Google vừa công bố 2 chương trình lớn vào tháng 7 sắp tới là Gaming Growth Lab và GameCamp Việt Nam.
Gaming Growth Lab là một chương trình tập huấn và đào tạo 3 tháng dành cho 30 công ty game tiềm năng được lựa chọn nhằm phát triển sản phẩm game chất lượng, tiếp cận người chơi và tạo ra doanh thu hiệu quả và cách mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, GameCamp Việt Nam là dự án do Google phối hợp cùng GameCamp châu Âu và các công ty game lớn của Việt Nam để hỗ trợ các công ty mới bước vào ngành game có đủ kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới chuyên gia để có thể phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp xuất khẩu game di động Việt Nam vẫn cần các chính sách hỗ trợ từ chính phủ như cách Malaysia phát triển trong thời gian qua.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư