TP.HCM đang tiếp tục tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp.
Tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo
Khoảng 36,4% trong tổng số hơn 350.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM có ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, năng lực sáng tạo của TP.HCM thể hiện một phần rất quan trọng trong năng lực sáng tạo của quốc gia. Vì vậy, việc quan tâm phát triển tiềm lực khoa học – công nghệ của TP.HCM trong giai đoạn tới là rất quan trọng. Từ nền tảng khoa học – công nghệ, sẽ tạo nên sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Nền tảng khoa học – công nghệ được thể hiện qua lượng nhân lực tham gia lĩnh vực này, mức độ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp.
Nếu 5 năm trước, khái niệm về start-up, khởi nghiệp còn mới mẻ, thì nay, cộng đồng này đang phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Thứ trưởng Lê Xuân Định đánh giá, TP.HCM là địa phương tiên phong trên cả nước về phong trào khởi nghiệp.
Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trong 5 năm qua, TP.HCM đã trở thành cái nôi hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho gần 1.840 dự án khởi nghiệp trong các khâu hoàn thiện sản phẩm, hoàn chỉnh mô hình kinh doanh, kết nối thị trường trong và ngoài nước, tư vấn tài chính, phát triển ý tưởng khởi nghiệp…
Cùng với đó, hơn 1.000 sự kiện được tổ chức trên địa bàn nhằm kết nối các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các chuyên gia, cố vấn, quỹ đầu tư, thị trường thông qua các diễn đàn, hội nghị/hội thảo…
“Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM phát triển toàn diện nhất Việt Nam, với đủ các thành phần. Vì thế, cần tiếp tục đầu tư, phát triển cộng đồng này hơn nữa”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Quỹ phát triển khoa học có thể đầu tư vào start-up
TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
Dù vậy, TP.HCM mới hỗ trợ ở các vườn ươm và sự kiện; hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế cả về kinh phí trực tiếp lẫn chính sách thuế.
Ngoài nhóm start-up, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa trích lập quỹ phát triển khoa học – công nghệ cũng cần được gia tăng.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là quỹ do doanh nghiệp xây dựng để thực hiện việc đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Quỹ này thường được dùng để xây dựng phòng thí nghiệm; mua máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D); mua bản quyền công nghệ, kiểu dáng công nghiệp…
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, tính đến tháng 10/2020, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 121 doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ với tổng số tiền trích quỹ hơn hơn 4.400 tỷ đồng. Những con số này cần phải được gia tăng.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện quy định sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp thường dùng quỹ phát triển khoa học công nghệ để thực hiện hoạt động R&D, trong khi quỹ này cần được dùng cho mọi hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp có thể dùng quỹ này để đầu tư cho các start-up. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp.
Theo Báo Đầu tư Online