Khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ thách thức sức bền của các công ty công nghệ

Ban Biên Tập

Nhiều công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ đang cố gắng cung cấp vaccine và điều trị y tế cho hàng triệu nhân viên.

Các công nhân làm việc để giúp các nhà chức trách theo dõi sự lây lan của COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Theo The Wall Street Journal, các công ty gia công phần mềm khổng lồ của Ấn Độ đang phải đối mặt với 2 mặt thách thức. Một mặt là làm thế nào để bảo vệ sức khỏe của hàng triệu nhân viên khi quốc gia này hứng chịu cuộc khủng hoảng COVID-19 tồi tệ nhất thế giới. Mặt khác, họ phải đảm bảo rằng công việc của họ vẫn tiếp tục như bình thường đối với khách hàng là những công ty lớn của phương Tây.

Khan hiếm nguồn lực

Các công ty như Infosys, Wipro và Tata Consultancy Service được gọi là TCS, đã xây dựng đội quân công nhân phục vụ các khách hàng toàn cầu như Bank of America, Citibank và Vanguard Group của Citigroup, làm mọi thứ từ điều hành trung tâm cuộc gọi đến viết mã máy tính. Các công ty này cùng với các doanh nghiệp công nghệ phương Tây với số lượng nhân viên lớn ở Ấn Độ đang giải quyết tình trạng công nhân nghỉ ốm, cố gắng giúp những nhân viên khó khăn tìm được oxy và tiêm vaccine cho những người khác vào thời điểm khan hiếm nguồn lực như vậy.

Giám đốc điều hành Sandip Patel của International Business Machines Corp tại Ấn Độ cho biết: “Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể hạ thấp thách thức này. IBM đang làm việc để tiêm chủng cho hơn 100.000 nhân viên của mình ở Ấn Độ và cung cấp cho họ các dịch vụ như kiểm dịch có giám sát về mặt y tế trong các khách sạn”.

Các bệnh nhân đã được tiêm vaccine COVID-19 tại một bệnh viện chính phủ ở Hyderabad, Ấn Độ. Một số công ty công nghệ đang cung cấp dịch vụ tiêm tại các khuôn viên công ty. Ảnh: AP.

Ấn Độ đã ghi nhận hơn 25 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 280.000 ca tử vong. Vài tháng trước đó, có vẻ như quốc gia này đã trải qua một đợt lây nhiễm virus đầu tiên.

Các công ty chạy đua để kịp đơn hàng

Giám đốc điều hành Peter Bendor-Samuel của Everest Group, một công ty có trụ sở tại Dallas, chuyên tư vấn cho các công ty về thuê lao động nước ngoài, cho biết năng lực làm việc tại các công ty Ấn Độ đã giảm tới 30% trong những tuần gần đây. Với cơ sở hạ tầng y tế của quốc gia đang gặp khó khăn trong việc điều trị tất cả những người bị nhiễm bệnh, người lao động có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở nhà và tập trung vào các vấn đề gia đình khi các thành viên trong gia đình bị ốm. Tuy nhiên, một số công nhân đã nghỉ việc trước đó giờ đã quay trở lại và hiện chưa có bất kỳ dự án nào bị chậm trễ.

Trong một số trường hợp, các công ty gia công phần mềm có thể thu hút công nhân của họ ở các quốc gia khác để được giúp đỡ và trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên địa phương không bị nhiễm bệnh. Nhà phân tích ngành outsourcing Rod Bourgeois tại DeepDive Equity Research, có trụ sở tại Old Greenwich, cho biết: các công ty cũng đang chuyển sang những nhân viên dự bị, hoặc những nhân viên thường không hoạt động giữa các dự án.

Ông Bourgeois, người thường xuyên nói chuyện với các giám đốc điều hành hàng đầu ở Ấn Độ cho biết: “Họ có các phòng chiến lược làm việc, quản lý tất cả hậu cần và các thách thức về nhân sự.

Các công ty cho biết họ đang thực hiện các bước để đảm bảo rằng họ bàn giao công việc đúng hạn cho khách hàng của họ.

Nhà cung cấp phần mềm kinh doanh Salesforce.com có trụ sở tại San Francisco, với khoảng 4.000 nhân viên ở Ấn Độ, đã gửi máy tạo oxy và các vật liệu khác đến nước này để giúp nhân viên. Giám đốc điều hành Marc Benioff nói: “Đại dịch vẫn chưa kết thúc ở Ấn Độ. Nó có thể chỉ mới bắt đầu”.

Ngành công nghiệp xử lý dữ liệu và công nghệ thông tin của Ấn Độ cung cấp năng lực cho văn phòng hậu thuẫn của các tập đoàn khổng lồ trên toàn thế giới. Nó tạo ra hơn 180 tỉ USD doanh thu hàng năm và sử dụng khoảng 4,5 triệu người. Nó chiếm khoảng 1/5 xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Ấn Độ, đồng thời thể hiện con đường tiến vào tầng lớp trung lưu cho người lao động Ấn Độ.

Nhiều nhân viên trong ngành đã làm việc tại nhà sau khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, nhưng thường sống trong các khu chật hẹp với gia đình đông người, khiến điều kiện làm việc khó khăn.

Tập đoàn thương mại Nasscom đại diện cho lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ cho biết họ đã gửi một lá thư vào đầu tháng này cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi yêu cầu chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nhận viện trợ từ nước ngoài và cung cấp vaccine rộng rãi hơn cho công nhân của các công ty công nghệ thông tin.

TCS có trụ sở tại Mumbai, nhà cung cấp dịch vụ gia công lớn nhất đất nước tính theo doanh thu, có 489.000 nhân viên và đã làm việc với các khách hàng như General Electric, nhà môi giới bảo hiểm Aon PLC và các ngân hàng lớn. Infosys có trụ sở tại Bangalore có hơn 250.000 nhân viên, trong khi Wipro, cũng có trụ sở tại Bangalore, có hơn 190.000 nhân viên.

Một mối quan tâm lớn đối với các công ty và người lao động là sự sẵn có của các liều vaccine ở một quốc gia có dưới 2% dân số được chủng ngừa COVID-19 và sự sẵn có cũng như các thủ tục hành chính đơn giản để được tiêm chủng khác nhau tùy theo địa điểm.

Infosys và TCS đang dành không gian trong khuôn viên công ty của họ để tiêm vaccine, trong khi Wipro biến một trong những cơ sở của mình thành cơ sở chăm sóc COVID-19 công cộng với 450 giường. Các công ty cũng đang tổ chức các phòng khách sạn nơi nhân viên có thể cách ly và tiếp tục làm việc, giảm bớt khả năng tiếp xúc của họ.

Giám đốc điều hành Brian Humphries của Cognizant Technology Solutions – công ty có hơn 200.000 nhân viên tại Ấn Độ, nói rằng: ảnh hưởng của đại dịch đối với việc nhân viên vắng mặt và làm việc cho khách hàng vẫn chưa chắc chắn. Chúng tôi xem xét nó hàng ngày. Đó là khoảng thời gian căng thẳng và đầy cảm xúc đối với các cộng sự của chúng tôi và gia đình của họ”.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments