5 phối màu phổ biến và bảng màu kinh điển của thương hiệu

Ban Biên Tập

Có thể bạn chưa biết: Vàng là màu mang lại cảm giác hạnh phúc nhất trong quang phổ màu sắc, và đến 75% bút chì bán ở Mỹ đều được sơn màu vàng!

Có thể nói, màu sắc là yếu tố đầu tiên của thương hiệu tác động lên tâm lý người tiêu dùng: gần 85% khách hàng cho rằng màu sắc có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định mua sắm của họ. Con số này khẳng định tầm quan trọng của màu sắc trong xây dựng thương hiệu. Những hình ảnh được thiết kế đẹp mắt, tinh tế sẽ tạo ấn tượng sâu sắc trong cảm nhận của khách hàng, góp phần truyền tải hiệu quả cá tính và câu chuyện của thương hiệu. Cùng tìm hiểu về các phối màu và công thức “bất bại” để xác định bảng màu cho thương hiệu của mình.

5 phối màu phổ biến nhất trong Branding

Phối màu đơn sắc (Monochromatic) — Sử dụng một màu duy nhất cùng các sắc đen, trắng, hoặc các sắc độ khác nhau của cùng một màu để tập trung làm nổi bật nét tính cách đặc trưng nhất của thương hiệu. Mặc dù phù hợp với các thương hiệu theo phong cách tối giản, người thiết kế phải biết cách biến hóa với từng sắc độ của màu sắc ấy, vì đơn sắc không đồng nghĩa với đơn điệu hay nhàm chán.

Phối màu tương đồng (Analogous) – Sử dụng các màu kế tiếp nhau trên vòng tròn màu (thường là ba màu), tạo nên những phối màu nhã nhặn, êm dịu và vừa mắt. Đây là cách phối màu khá an toàn, nên thường không phù hợp với những thương hiệu muốn tạo điểm nhấn, sự nổi bật và khác biệt.

Phối màu bổ túc trực tiếp (Complementary) – sử dụng những cặp màu đối xứng nhau trên vòng tròn màu để tạo nên những phối màu năng động, nổi bật và ấn tượng. Cũng chính vì sự đối lập này mà phối màu bổ túc trực tiếp cần được sử dụng khéo léo với các thương hiệu tập trung vào sự thư giãn và nhẹ nhàng. Ngoài ra, đây cũng là phối màu phổ biến nhất, nên người thiết kế cần chú ý để tránh sự trùng lặp với các thương hiệu khác.

Phối màu bổ túc bộ ba (Triadic) – sử dụng ba màu nằm ở ba góc khác nhau của vòng tròn màu và tạo nên một hình tam giác đều, mang đến sự cân bằng và hài hòa cho thương hiệu. Là sự kết hợp an toàn nhất, phối màu này nếu không được biến tấu khéo léo thì có thể trở nên đơn điệu và thiếu sự đột phá.

Phối màu đa sắc (Full-spectrum Color) – Sử dụng 4 – 5 màu sắc nổi bật và đối lập, tạo nên sự hiện đại và mới mẻ, phù hợp với nhiều xu hướng thiết kế hiện nay. Sự đối nghịch cũng như bổ sung giữa các màu là điểm mạnh và khác biệt đặc trưng của phối màu này. Cần chú ý cân bằng giữa hai gam màu nóng (đỏ, cam hay vàng) và lạnh (xanh, tím) để tao sự hài hòa cần thiết.

Công thức xác định màu sắc thương hiệu

Bảng màu của thương hiệu có thể có từ 1 cho đến 5 màu khác nhau, tuy nhiên để việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn, thương hiệu có thể dựa vào công thức đơn giản trên đây để bắt đầu.

Bước 1: Để xác định màu sắc, trước tiên cần phải tìm ra những nét tính cách đặc trưng, nổi bật nhất của thương hiệu.

Hãy bắt đầu bằng việc liệt kê ra một vài tính từ có thể miêu tả chính xác nhất về thương hiệu, tập trung vào những điểm khác biệt so với các đối thủ. Một phương pháp hiệu quả khác để mô tả thương hiệu của bạn là thu thập thông tin từ chính khách hàng, tìm hiểu xem họ cảm nhận về cá tính của thương hiệu như thế nào.

Bước 2: Với 3 – 5 tính từ mô tả tính cách thương hiệu trong tay, hãy tiến hành lựa chọn 1 màu chủ đạo nhất đại diện cho cá tính thương hiệu, hoặc cho những cảm xúc và trải nghiệm nó muốn mang lại cho khách hàng.

Ở bước này, kiến thức cơ bản về tâm lý học màu sắc (color psychology) sẽ giúp chúng ta đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Chẳng hạn, các màu lạnh tạo cảm giác đáng tin cậy, trung thành và chắc chắn, khác với các màu ấm thường tượng trưng cho nguồn năng lượng dồi dào, tinh thần hào hứng và sự tích cực. Sự vững chãi ấy sẽ tạo niềm tin nơi khách hàng, giúp họ an tâm khi lựa chọn đối tác quản lý các vấn đề tài chính của mình. Điều này giải thích cho việc đa số các tổ chức tài chính và công nghệ thường lựa chọn màu xanh cho thương hiệu của mình.

Bạn có để ý, đa số các ngân hàng và tập đoàn công nghệ đều có logo màu xanh hoặc có yếu tố màu lạnh không?

Không chỉ được phân chia ra hai nhóm màu là nóng và lạnh, từng màu riêng biệt ở mỗi sắc độ khác nhau cũng mang những ý nghĩa riêng. Cần phải nhớ rằng, yếu tố văn hóa, hoàn cảnh, trải nghiệm cá nhân,… đều có thể tác động lên những tầng ý nghĩa này. Nhưng nhìn chung, các màu cơ bản thường được người dùng gắn với những đặc tính sau đây:

Bước 3: Lựa chọn các màu đi kèm với màu chủ đạo của thương hiệu theo 1 trong 5 cách phối màu phổ biến.

Phối màu đơn sắc – Chọn các sắc độ khác nhau của màu chủ đạo, hoặc đơn giản là chọn sắc trắng/đen. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đa số các thương hiệu trong Top 100 của thế giới chỉ sử dụng 1 đến 2 màu cho thương hiệu của mình. Vì vậy, đừng ngần ngại theo đuổi phong cách tối giản mà nổi bật với thương hiệu của mình!

Phối màu tương đồng – Chọn các màu cạnh màu chủ đạo trong vòng tròn màu sắc. Với cách phối màu này, các ấn phẩm truyền thông quảng bá khác sẽ được thiết kế theo hết sức dễ dàng mà vẫn hài hòa, đẹp mắt.

Phối màu bổ túc trực tiếp hoặc bổ túc bộ ba – Chọn các màu đối lập hoặc tạo thành hình tam giác đều với màu chủ đạo trong vòng tròn màu sắc. Phối màu này khi được sử dụng trong các báo cáo hoặc ấn phẩm truyền thông có số liệu sẽ đặc biệt hiệu quả, và đối với quảng cáo nói chung cũng sẽ tạo được ấn tượng nổi bật với người dùng.

Phối màu đa sắc – Lựa chọn thêm 3 – 4 màu nổi bật khác để kết hợp cùng với màu chủ đạo, tạo cảm giác năng động, trẻ trung vui vẻ và thân thiện cho thương hiệu. Các thiết kế truyền thông quảng cáo sử dụng phối màu này đều khá sáng tạo và nổi bật.

Chỉ với 4 bước đơn giản, phối màu của thương hiệu đã về cơ bản thành hình. Để những màu sắc này dần được khách hàng gắn với thương hiệu của bạn, hãy sử dụng chúng một cách đồng bộ và thống nhất trên toàn bộ tư liệu truyền thông quảng bá (cùng với logo và font chữ đặc trưng), từng bước truyền tải tính cách thương hiệu đến khách hàng.

Theo Advertising Vietnam

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments